Sáng 10/7, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến quý II-2018 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.
3 nội dung được thảo luận tại hội nghị là: Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác PCCC, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố; công tác cấp nước sạch; tình hình tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.
Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy. Trong đó, có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình, 336 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng khiến 4 người chết, 9 người bị thương và thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng.
Đối với tình hình nổ, xảy ra 2 vụ nổ khiến 5 người bị thương và thiệt hại về tài sản 325 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm 2017 giảm 1 vụ, giảm 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm gần 100 triệu đồng. Đối với tình hình cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức CNCH 53 vụ và cứu được 80 người (trong đó, có 19 người bị thương.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, sẽ tổng rà soát 1.109 cơ sở, công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng (trong đó, có 426 công trình vi phạm PCCC)..
Phát biểu thảo luận về về công tác PCCC-CNCH trên địa bàn TP, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị, trước hết các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC.
Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn. Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Nếu ở đâu người đứng đầu quyết liệt thì ở đó mới có thể giảm thiểu được cháy nổ.
Phân tích những nguyên nhân tồn tại trong công tác PCCC, ông Nguyễn Hoài Nam nêu, theo quy định, các toà nhà phải đầu tư đảm bảo các quy định về PCCC mới được đưa dân vào ở. Một số các cơ sở kinh doanh chỉ chăm chăm thu lợi nhuận, không quan tâm PCCC. Chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, các cơ sở karaoke vẫn đèn sáng, biển quảng cáo bịt kín, chuồng cọp vẫn tồn tại ở các chung cư...là nguyên nhân tiềm ẩn cháy nổ.
Làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác PCCC, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với các chủ đầu tư công trình vi phạm PCCC, chưa khắc phục sẽ không được cấp phép dự án mới cho đến khi khắc phục xong.
Đối với công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt vào mùa mưa bão, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị lãnh đạo các quận huyện kiểm tra, rà soát công cụ vật tư phục vụ cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra lại các phương án kế hoạch để họp phân công công việc triển khai theo đúng phương án.
Về cung cấp nước sạch, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện TP đang thí điểm nhiều mô hình cung cấp nước sạch, đến nay kêu gọi được 23 chủ đầu tư và phủ được 94 % diện tích cấp nước sạch của vùng nông thôn.
Qua việc tổ chức xây dựng hệ thống mạng cung cấp nước, thực tiễn cung cấp nước tại các huyện, Chủ tịch TP cho rằng, cần phải chọn chủ đầu tư có năng lực; công tác triển khai phải được cập nhật tiến độ; lãnh đạo địa phương tuyên truyền cho người dân ủng hộ các chủ đầu tư; đồng thời lãnh đạo địa phương quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.
Về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, hàng tháng Thành phố thực hiện giao ban đối với các chủ đầu tư, lãnh đạo quận huyện, trong đó, lãnh đạo thành phố đều vào cuộc, đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc./.
Kiểm tra PCCC đối với công trình nhà cao tầng ở Hà Nội