Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã lựa chọn chủ đề “Tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan” theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước là chuyên đề giám sát của quốc hội trong năm 2015. Đây là vấn đề có ý nghĩa, ảnh hưởng lớn bởi những sai sót trong tố tụng có thể biến đổi số phận của một con người và thực tế các trường hợp này không phải là ít.

Rõ ràng, những người bị oan sai trước khi được bồi thường phải chịu rất nhiều thiệt thòi và mất mát: mất về vật chất, tinh thần, mất sức khỏe, uy tín danh dự và mất cả gia đình.

Tuy nhiên, để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan và mất rất nhiều thời gian.

13a3bed1a4-1-ongchan611.jpg-width-440-height-293-crop-auto-speed-0_yneo.jpeg 

Vụ án xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận (Ảnh: KT)

Trao đổi với PV VOV.VN, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng trước hết cơ chế chính sách pháp luật cần phải rõ ràng, minh bạch và những người đại diện cho pháp luật cần phải có “cái tâm”.

PV: Tại sao Quốc hội lại lựa chọn chuyên đề tình hình oan sai trong tố tụng để giám sát trong năm 2015, phải chăng tình hình này ở nước ta đang ở mức lo ngại, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Tình hình oan sai trong tố tụng hình sự ở nước ta không hẳn là đáng lo ngại, nhưng thời gian gần đây đã nổi lên một số vụ án oan, xử sai người vô tội. Có thể nói, hoạt động tố tụng ở nước ta vẫn còn những trường hợp làm sai trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xử lý không nghiêm hoặc bỏ lọt tội phạm. Đây là một lĩnh vực liên quan đến thi hành Hiến pháp năm 2013 về đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Từ trước đến nay, Quốc hội thường tập trung vào giám sát các lĩnh vực như kinh tế, xã hội; riêng tư pháp thì chưa từng có chuyên đề nào giám sát ở Quốc hội. Do vậy, trong lần này, việc Quốc hội chọn chuyên đề này mang lại ý nghĩa rất lớn cho xã hội.

PV: Thực tế các vụ án oan cho thấy những cái sai trong tố tụng thường là do nguyên nhân gì và lỗi chủ quan của người và cơ quan tố tụng chiếm bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Theo tổng kết, các vụ án oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,01% tổng số các vụ án hàng năm. Tuy nhiên, các vụ án sai thì có số lượng lớn  hơn, bao gồm án sai về áp dụng pháp luật, sai trong tố tụng, chiếm khoảng 1% tổng số các vụ án. Các vụ án oan, sai có một phần do trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm thường là xử lý các sự kiện cũ, xảy ra trong quá khứ nên không tránh khỏi những sai sót. Bên cạnh đó, cơ chế pháp luật hiện nay nhiều chỗ còn sơ hở, chưa minh bạch, dẫn đến quá trình tố tụng có phần khép kín. Do vậy, quá trình tranh tụng giữa buộc tội và gỡ tội chưa được minh bạch, rõ ràng, dẫn tới những sai sót và oan sai.

Thực tế cho thấy những án oan thường rơi vào án “giết người không quả tang”; thứ hai là loại án được gọi là hình sự hóa các quan hệ về kinh tế dân sự. Do quy định của pháp luật về những vụ án này chưa được rõ ràng, đã dẫn tới việc khởi tố, truy tố xét xử oan.

Tuy nhiên, suy cho cùng, nguyên nhân chính vẫn thuộc về lỗi chủ quan, đặc biệt là năng lực đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật còn kém; và quan trọng nhất là do “cái tâm” của người làm công tác tư pháp.

PV: Hiện nay, hội đồng xét xử hoàn toàn dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Như vậy, cáo trạng của Viện Kiểm sát hay vai trò của luật sư trong quá trình xét xử khá mờ nhạt, đôi khi được coi như là “diễn viên phụ” trong việc đi tìm công lý, khiến cho cái sai trong quá trình tố tụng dễ xảy ra. Tại sao pháp luật đã quy định rõ ràng về nguyên tắc “suy đoán vô tội” và nguyên tắc “độc lập xét xử” nhưng việc vi phạm nguyên tắc này vẫn xảy ra, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Pháp luật đã quy định rõ ràng về nguyên tắc suy đoán vô tội và thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải độc lập và tuân theo pháp luật. Tuy nhiên có thể thấy rằng, trước hết về phía pháp luật, những quy định cụ thể được thể chế hóa trong bộ luật Tố tụng hình sự là chưa rõ ràng. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, một số cán bộ tư pháp đem nguyên tắc “suy đoán có tội” thay cho nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Quan điểm chung của các nước tiến bộ cũng như Hiến pháp 2013, phải lấy nguyên tắc “suy đoán vô tội” làm đầu. Trong quá trình điều tra, chỉ khi nào không còn căn cứ nào chứng minh không có tội thì mới có căn cứ kết tội, dù còn 1% có nguy cơ bị oan thì cũng không thể kết tội. Đây là một quan điểm đã được sửa đổi trong Hiến pháp 2013.

Thứ hai, về nguyên tắc “độc lập trong xét xử”, trong tổ chức thực hiện, thẩm phán cũng chưa được hoạt động độc lập do còn những tác động từ bên ngoài, bao gồm cơ chế duyệt án; thẩm phán cũng bị ràng buộc, lệ thuộc bởi các vấn đề khác như chức vụ, chức danh, nhiệm kỳ. Do vậy, họ chưa hoàn toàn độc lập khi xét xử.

Vai trò của luật sư cũng còn khá mờ nhạt. Trước hết, số lượng luật sư tham gia vào việc bào chữa rất hạn chế. Cụ thể, 80% vụ án hình sự hiện nay thiếu luật sư bào chữa, do vậy việc tranh tụng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội chưa đạt được yêu cầu tranh tụng.

Hơn nữa, đối với loại án giết người, thông thường là loại án có luật sư chỉ định. Vì vậy, luật sư chỉ định thường tham gia ở giai đoạn truy tố, xét xử là chính và có tính hình thức. Do vậy, vai trò cũng như đóng góp của luật sư vào giải quyết vụ án rất hạn chế.

Đấy là một trong những yếu tố làm quá trình tố tụng còn khép kín, dẫn đến xảy ra oan sai trong tố tụng.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật về bồi thường thiệt hại hiện nay vô tình đẩy thêm cái khó cho người bị oan sai, bởi quá trình bồi thường không dễ dàng chút nào khi xác định lỗi và thiệt hại về bồi thường. Ông có nhận định gì về ý kiến này, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại có từ Nghị quyết 388 năm 2003. Đó là một tiến bộ rất lớn đối với ngành tư pháp nước ta để bù đắp một phần tổn thất về tinh thần, vật chất cho người bị oan do những người có thẩm quyền trong tố tụng gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, khi để xảy ra án oan, có trường hợp cán bộ tư pháp sợ trách nhiệm, không dám nhận lỗi. Do vậy có một số trường hợp rõ ràng người bị xét xử bị oan, nhưng lại bị đình chỉ dưới dạng miễn truy tố trách nhiệm hình sự, tương đương với việc có tội và không được bồi thường. Ngoài ra, một lý do nữa là cán bộ tư pháp nôn nóng đấu tranh chống tội phạm hoặc do bệnh thành tích, dẫn đến các hành vi hàm oan. Khi hàm oan lại sợ chịu trách nhiệm, sợ bị cách chức.

Quá trình giải quyết bồi thường còn nhiều thủ tục, rườm rà và nhiều khiếu nại đòi bồi thường chưa được giải quyết kịp thời. Chính vì vậy có thể nói rằng trong thời gian tới, phải xác định rõ trách nhiệm và tinh thần khẩn trương để bồi thường, bù đắp cho người bị oan trong hoạt động tố tụng.

PV: Các cơ quan thẩm quyền có thể tính đầy đủ, đúng mức thiệt hại mà người bị hàm oan chưa, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Luật Trách nhiệm bồi thường quy định đầy đủ những thiệt hại mà những người có thẩm quyền tố tụng gây ra cho người bị oan, bao gồm thiệt hại về vật chất, tinh thần. Ví dụ như một ngày tạm giam được đền bù bao nhiêu tiền, một ngày bị khởi tố bị can là bao nhiêu tiền, chi phí khiếu nại, khiếu kiện đều đã có cách tính cụ thể.

Ngoài ra, vấn đề xử lý trách nhiệm đối với gây ra hàm oan, tùy vào tính chất, mức độ mà xử lý như kỷ luật, cách chức, hạ bậc lương, hoặc thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự.

Những người dùng nhục hình, bức cung trong quá trình điều tra, thẩm vấn bắt buộc phải bị xử lý trách nhiệm hình sự đã được quy định rõ trong bộ luật.

PV: Nhiều người dân muốn được biết thông tin cụ thể về diễn biến xử lý những người làm oan, làm sai, nhưng những thông tin này rất ít được đăng tải, có thì rất vắn tắt. Liệu rằng có tình trạng khi có một cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật làm sai thì sẽ hạn chế cung cấp thông tin cho báo chí hay không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Pháp luật phải rõ ràng minh bạch, những người làm oan, làm sai án thì đều bị xử lý và việc xử lý này cũng phải công khai. Tuy nhiên, có thể nói trong những năm vừa qua, những vụ án sai, án oan xảy ra là do năng lực, trình độ non kém chứ không phải do cố ý. Trường hợp xảy ra án oan sai do người có thẩm quyền cố ý thì họ đã bị truy tố về tội “cố ý truy tố trách nhiệm hình sự người không có tội”.

Riêng về vấn đề trình độ năng lực non kém, những vụ án oan sai trải qua rất nhiều thủ tục như sơ thẩm, phúc thẩm,… kéo dài nhiều năm. Do vậy nhiều cán bộ đã bị thuyên chuyển công tác hoặc về hưu. Do vậy, những cán bộ sau này đứng ra thay mặt cơ quan tư pháp để xin lỗi người bị oan, bồi thường thì đã có thông tin cụ thể trên các phương tiện đại chúng.

PV: Để không xảy ra các vụ án oan sai và khắc phục những bất cập vướng mắc hiện nay trong bồi thường thiệt hại do oan sai gây nên, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ gì, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Trước hết, cần có cơ chế chính sách pháp luật rõ ràng, minh bạch. Bộ Luật Hình sự phải quy định rất rõ về tội danh để tránh trường hợp hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Thứ hai, cần xác định chính xác tính chất, mức độ hành vi để đưa ra án phạt hợp lý. Tránh tình trạng luật khung, luật ống khó vận dụng trong thực tế.

Riêng đối với bộ Luật Tố tụng hình sự, phải minh bạch về cơ chế điều tra, truy tố xét xử, đặc biệt phải bảo đảm quyền của người bị buộc tội, mở rộng tối đa sự tham gia của người bào chữa để bảo đảm sự buộc tội, gỡ tội rõ ràng, minh bạch trong tất cả các giai đoạn từ điều tra đến truy tố, xét xử. Quan trọng nhất là chống oan từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án đưa ra quyết định.

Đồng thời, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, người giữ những vị trí này cần phải có tâm, có năng lực để đảm bảo công việc điều tra, xét xử được công bằng, chính xác.

PV: Giám sát chuyên đề nên được tiến hành như thế nào để là tiếng nói có hiệu quả, góp phần chống oan sai, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Trước hết, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đang chuẩn bị nghiên cứu một chương trình, kế hoạch rất cụ thể về vấn đề này trong từng giai đoạn và phải nghiên cứu từng vụ án cụ thể. Từ đó xác định ra nguyên nhân vì sao oan, oan ở khâu nào và vì sao khâu đó lại oan, do cơ chế pháp luật hay do con người. Từ đó, Ủy ban sẽ đưa ra Quốc hội để thảo luận, sau đó Quốc hội sẽ ra nghị quyết về vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự và những giải pháp khắc phục. Trong đó, nghị quyết không chỉ bao gồm cơ chế chính sách pháp luật như sửa đổi các bộ luật tố tụng hình sự, mà còn có vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực. Quốc hội cũng sẽ xác định trách nhiệm, chỉ tiêu cụ thể để ngành tư pháp phấn đấu, góp phần không để xảy ra các trường hợp oan sai. Đó mới là nền tư pháp dân chủ, nền tư pháp công bằng.

PV: Xin cảm ơn ông!./.