Vụ việc bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác khách hàng ở Hà Nội một lần nữa khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng ở các cơ sở thẩm mỹ. 

Nhiều người dân lâu nay bị nhầm lẫn giữa các cơ sở làm đẹp và các phòng khám có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ. Các cơ sở làm đẹp thường có các tên gọi như Trung tâm thẩm mỹ hay Thẩm mỹ viện, Spa… chỉ được Ủy ban nhân dân hoặc Sở Kế hoạch- Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh chứ không có giấy phép hành nghề y tế. Còn các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ mới là nơi được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề.

tham-my.jpg
Nghi can Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường chỉ nơi ném xác nạn nhân xuống sông

Trong loại hình được cấp giấy phép hành nghề có 3 loại: phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ và các khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong các bệnh viện đa khoa.  Tuy vậy, giữa hai loại hình này lại nhập nhằng với nhau một cách dường như là cố ý. Từ chuyện quảng cáo quá mức về chức năng của mình, cho đến tên bảng hiệu, các dịch vụ cung cấp trên trang web.

Một số cơ sở làm đẹp kết hợp với phòng khám thẩm mỹ tại cùng một nơi nên càng khiến cho việc phân biệt hai loại hình này trở nên khó khăn với người dân hơn.

Chị Phạm Thùy Minh, ở quận 3, TP HCM từng đi thực hiện phẫu thuật nâng mũi cho biết, việc lựa chọn nơi làm đẹp cũng chỉ dựa trên quảng cáo: “Tôi chỉ nghĩ là có làm hay không và chọn từ 2-3 chỗ rồi chọn chỗ nào ưng ý thôi. Sở Y tế nên rà soát kỹ chứ người dân chỉ xem quảng cáo rồi biết vậy thôi, chứ đâu biết thông tin đó có chính xác hay không. Nhiều Trung tâm thẩm mỹ còn có cả bác sĩ từ các bệnh viện qua làm nên người ta tưởng là uy tín. Chứ còn đến khi bước chân vào làm phẫu thuật thẩm mỹ như cá nằm trên thớt thôi”.

Theo qui định, những cơ sở làm đẹp chỉ thực hiện được các dịch vụ như chăm sóc da, massage mặt… Còn những nơi được Sở Y tế cấp phép hành nghề mới được thực hiện một số thủ thuật như tạo hình mắt, mũi, môi, tai, xăm lông mày…

Ngoài ra, những phẫu thuật gây mê chỉ được thực hiện tại các bệnh viện, không được thực hiện dù là ở phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tại TP HCM, việc thanh kiểm tra thường xuyên hiện nay cũng chỉ thực hiện đối với các cơ sở thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, chiếm đến 44% sai phạm ở những nơi này là liên quan đến việc quảng cáo quá mức so với chức năng của mình và thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa niêm yết giá.

Tỷ lệ vi phạm tại mô hình phòng khám chuyên khoa cao hơn so với mô hình bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Những cơ sở làm đẹp không do ngành Y tế cấp phép hầu như chỉ được thanh tra khi có những dấu hiệu vi phạm và thường không nằm trong lịch thanh tra thường xuyên của Sở Y tế.

Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết: "Các cơ sở này trong thời gian qua cũng có một số vi phạm liên quan đến chuyện quảng cáo. Thẩm mỹ viện nhưng họ quảng cáo có thể nâng mũi, sửa mi mắt... Sở Y tế TP HCM thường xử lý ở hai hành vi là quảng cáo khám chữa bệnh không phép. Bởi đây không phải là cơ sở khám chữa bệnh nhưng lại quảng cáo là khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM xem xét các mỹ phẩm họ dùng có hợp pháp hay không. Một số nguồn gốc không rõ ràng, không có hóa đơn chứng từ thì chúng tôi xử phạt hành chính".

Tại TP HCM, số lượng các cơ sở thẩm mỹ có thể nói là nhiều nhất trong cả nước. Chỉ tính riêng các cơ sở được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề đã là 80 cơ sở, trong khi Hà Nội chỉ có 35. Còn con số các cơ sở làm đẹp không có giấy phép hành nghề y đến nay chưa có số liệu thống kê, nhưng chắc chắn  không phải là ít.

Theo bác sĩ Lê Hành – Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM, trong 5 năm qua, các cơ sở thẩm mỹ đã tăng gấp 3 lần. Với việc phát triển nhanh chóng như vậy thì việc quản lý sẽ là không xuể.

Bác sĩ Lê Hành nói: “Sự việc gây chết người xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường không phải là đầu tiên diễn ra, trước đó cũng có những sự việc tương tự. Hội Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ gửi kiến nghị cho ngành Y tế nên mở rộng hơn, tăng cường thêm trách nhiệm với những cơ sở hành nghề y không được cấp phép. Còn Luật chưa đầy đủ chưa chặt thì phải sửa để xã hội ổn định”.

Bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra  Sở Y tế TP HCM cho biết, ngành y tế đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện và chỉ đạo phòng y tế 24 quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trên địa bàn để kịp thời phát hiện các cơ sở hoạt động khi chưa có giấy phép của cơ quan y tế có thẩm quyền. Ngoài ra, Sở Y tế thành phố sẽ mời các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ lên tập huấn về quy chế chuyên môn và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Việc siết chặt quản lý các loại hình này là cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc do phẫu thuật thẩm mỹ gây ra./.