Liên quan đến vụ việc nghiêm trọng tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45, đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Đoàn Hà Nội nhấn mạnh, đây là tai họa thực sự khủng khiếp của ngành Y, làm phẫn nộ trong dư luận và được sự quan tâm đặc biệt của cử tri.

Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, phóng viên VOV online phỏng vấn đại biểu Bùi Thị An về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vụ việc này.

PV: Thưa bà, để xảy ra sự việc nghiêm trọng này, ai phải là người đứng ra nhận trách nhiệm chính?
ba-an.jpg
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Đại biểu Bùi Thị An: Người chịu trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc là người cấp phép cho Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động. Theo tôi được biết, Phòng Tài chính – Kế hoạch quận Hai Bà Trưng là đơn vị cấp phép và đơn vị này phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bây giờ phải xem nội dung giấy phép của đơn vị này là gì, có đúng với hành nghề không. Bên cạnh đó, phải xem lại giấy phép hành nghề của cá nhân bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường.

Liên quan đến sự quản lý thì phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng phải chịu trách nhiệm. Tiếp đó là việc quảng cáo. Cơ sở này đã quảng cáo liên tục, tuy nhiên có đúng nội dung giấy phép hành nghề hay không thì phải xem xét kỹ, theo đó những đơn vị tham gia quảng cáo cho cơ sở này cũng phải chịu trách nhiệm.

PV:Thưa bà, trách nhiệm giải trình của ngành Y trong sự việc này đến đâu?

Đại biểu Bùi Thị An:Hiện nay, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã đứng ra nhận lỗi trước dân, thấy rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngành Y tế cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc, xem diễn biến cụ thể như thế nào; xem có sơ hở nào không, để có biện pháp sửa chữa, điều chỉnh. Đây là việc rất cần thiết. Bây giờ không phải là lúc các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm.

Được biết Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giao cho Sở Y tế Hà Nội, do đó Sở này phải nhanh chóng vào cuộc, xem giấy phép thế nào, lỗi ở đâu, sơ hở pháp lý thế nào, sau đó báo cáo công khai trước dân.

PV: Thưa bà, chúng ta có rất nhiều lực lượng thanh tra, vậy tại sao khi xảy ra sự việc nghiêm trọng, chúng ta mới phát hiện ra nhiều lỗ hổng trong quản lý, cũng như sai phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh?

Đại biểu Bùi Thị An:Theo tôi, điều cần thiết là chúng ta phải ngăn chặn được, phòng được và dự báo được sự việc. Nếu cứ để xảy ra rồi mới cuống lên đi xử lý kiểu “cứu hộ” thì không giải quyết dứt điểm được.

Như chúng ta đã biết, nhiều sự cố xảy ra mới phát hiện lỗ hổng không phải riêng lĩnh vực y tế mà ở cả những lĩnh vực khác, như trốn thuế chẳng hạn, do đó chúng ta phải dự báo được sự cố có thể xảy ra. Muốn dự báo được, người lãnh đạo phải nắm sát được tình hình thực tiễn, có tầm nhìn, có số liệu chuẩn để nghiên cứu. Tức phải “khám bệnh chuẩn thì mới cho thuốc được”, không thể để xảy ra sự việc như vừa qua, mà theo tôi đó là tai họa rất khủng khiếp của ngành Y, làm chết người trong hoàn cảnh vô cùng đau đớn mà đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân – thì mới đi lo xử lý hậu quả.

PV:Theo bà, tới đây ngành Y sẽ phải làm gì để những sự việc đau lòng như thế này không tái diễn?

Đại biểu Bùi Thị An:Có thể nói trong ngành Y vẫn còn rất nhiều bác sỹ, cán bộ, nhân viên rất tận tâm với nghề, lấy cứu người là chính, nhưng số suy thoái đạo đức vẫn không hề nhỏ. Chính vì vậy, ngành Y phải tiến hành ngay công tác nâng cao y đức.

Tất nhiên, ngành nào cũng cần phải có đạo đức, nhưng ngày Y thì đạo đức phải được quán triệt mạnh mẽ hơn, bởi họ làm trong lĩnh vực liên quan đến tính mạng của con người.

PV
: Xin cảm ơn bà!./.