Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời câu hỏi của các đại biểu chiều 10/9 |
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho biết có hai luồng ý kiến khác nhau. Theo đó, luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Hiện nay, với tiến bộ của y học trong nước có thể thực hiện được việc này, nếu không có khuôn khổ pháp lý, vì nhu cầu một bộ phận người dân vẫn thực hiện sẽ phát sinh nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Do đó, cần quy định trong Luật để quản lý nhưng các quy định phải chặt chẽ, cụ thể.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, cần nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích nào vì vấn đề này nhạy cảm, phức tạp, rất dễ bị lợi dụng và chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt Nam. Mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không cũng là vấn đề nên cân nhắc. Đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn quy định cấm mang thai hộ.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn trong pháp luật về hôn nhân và gia đình, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng.
Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.
Bà Trương Thị Mai cho biết, Thường trực Ủy ban thống nhất với việc bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm “không vì mục đích thương mại”; bổ sung các quy định về số lần được mang thai hộ, số người mang thai hộ trong cùng một thời điểm, vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ; quy định người nhận mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích phải chặt chẽ hơn, cùng hàng thế hệ và không nên mở rộng ra nhiều đối tượng khác; cần nghiên cứu việc quy định người mang thai hộ phải là người đã từng sinh con, hoàn toàn tự nguyện và đánh giá tác động của việc quy định việc mang thai hộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Cũng như nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, từ quan điểm nhất trí tới việc quy định để thực thi là không hề đơn giản. Bởi lẽ, việc mang thai không chỉ liên quan tới sức khỏe mà có khi liên quan cả tính mạng người phụ nữ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nói là tự nguyện nhưng nếu không có các điều kiện ràng buộc sẽ dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống. Ví dụ như việc chăm lo cho người mang thai hộ, không giao con thì giải quyết thế nào, có cần ký hợp đồng không?....
Ngoài ra, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình, nhiều nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau như: độ tuổi kết hôn, áp dụng tập quán, kết hôn giữa những người cùng giới tính, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, chế định ly thân...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Nhiều điểm mới được đề cập trong dự thảo luật và vẫn còn có ý kiến khác nhau, cũng như tại kỳ họp tới Quốc hội mới cho ý kiến lần đầu nên cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra cần tiếp thu các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu để giải trình với Quốc hội./.