Quan tâm đến việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội trong những ngày vừa qua, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam cho biết, ông nghi ngờ về mục tiêu của Đề án khi đặt ra “từng bước nâng dần chỉ tiêu cây xanh hướng tới 20m2-25m2/người vào năm 2030 góp phần cải tạo điều kiện khí hậu, cải thiện môi trường đô thị…”. 

Danh mục cây trong Đề án không có cây mỡ

ong_hiep_jvwa.jpgTS. Nguyễn Tiến Hiệp
 "Đề án 21 trang cũng đã đánh giá được tất cả các loại cây mà Hà Nội có, trồng tự phát và đưa ra 22 loại cây nhưng không có cây mà mọi người đang quan tâm là cây mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Dự án mới đưa ra mà trong danh mục đã vi phạm điều đó”- TS. Nguyễn Tiến Hiệp nói.

Tuy nhiên, trong trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo chiều 20/3 về loại cây được chọn thay thế đường Nguyễn Chí Thanh, Sở Xây dựng khẳng định: Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng  bằng cây Vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển. Cây cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5 cm,  đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.

Dẫn lại Nghị định 64, Điều 11, Khoản 1, Điều 14 quy định: “Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”, TS. Nguyễn Tiến Hiệp cũng cho rằng, đề án đã vi phạm điều khoản này.

Ngoài khoản 1, khoản 4 Nghị định 64 cũng quy định về Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị cũng quy định: Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển; Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.

«Chẳng nhẽ 6.700 cây trong hồ sơ đều là cây chết, cây bệnh và cây nằm trong công trình thi công? Chúng tôi nghi ngờ chuyện này, rất nhiều cây bị chết oan. Qua cách làm này mọi người thấy được yếu kém của Hà Nội, mọi người không tin tưởng bởi không những sai luật, mà tính kế thừa gần như bị phủ nhận sạch trơn. Đành rằng có thể thay thế cây nọ cây kia, đưa những cây bản địa vào là tốt nhưng có những cây thời Pháp họ trồng đến bây giờ vẫn tốt sao không rút kinh nghiệm để học hỏi»- TS. Nguyễn Tiến Hiệp băn khoăn.

Đã quan tâm đến việc chăm sóc, chữa bệnh cho cây?

Theo TS. Nguyễn Tiến Hiệp việc chặt cây cũng rất vội vàng, chặt một lúc hàng loạt cây xanh. «Không một nước nào thay thế cây mà lại làm như vậy. Người ta phải nghiên cứu, thay thế từ từ. Để đưa được một cây vào trồng người ta phải có tính thử nghiệm. Trước khi cây đưa vào trồng, phải có thời gian khoảng 5-7 năm. Cùng với đó là phải chuẩn bị lực lượng để trồng. Đối với cây trồng, phải lưu ý cả đến sinh thái, điều kiện sống của cây. Theo tôi, phải tổ chức những hội đồng nghiêm túc lưa chọn cây. Phải có quy hoạch, có các vườn ươm cây để ươm trồng cây một cách khoa học».

Những cây không sâu bệnh cũng bị đốn hạ hàng loạt
TS. Nguyễn Tiến Hiệp cũng cho rằng, vấn đề chữa bệnh cho cây ở Hà Nội hiện nay cũng rất kém. Mỗi khi đến mùa gió bão, người ta cưa cây ồ ạt. «Cách cưa cây của Hà Nội cũng rất khác TP HCM. Cây là một cá thể sống, cưa chỗ nào cũng phải phù hợp và cưa xong phải bôi sơn lên để tranh mối mọt, sâu bệnh cho cây. Hà Nội không thấy làm như thế, thích cưa chỗ nào thì cưa, đó là một cách diệt cây chứ không phải chăm sóc cây».

Nghiên cứu đề án quy hoạch, cải tạo cây xanh của Hà Nội, TS. Nguyễn Tiến Hiệp cho rằng, đề án cải tạo cây xanh Hà Nội đưa ra hơn 70 tỷ đồng, có hàng chục lần nhắc đến kinh phí, chi phí nhưng không một lần nào nhắc đến «kinh phí thu hồi». Vậy lượng gỗ do chặt cây xử lý như thế nào, nếu bán thì số tiền đó làm gì, có phần nào để dành cho chăm sóc cây?».

Theo ông Hiệp, cây thì đã chặt rồi nhưng Hà Nội phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm những cán bộ liên quan một cách nghiêm túc. «Việc chặt cây này là thể hiện sự thiếu khả năng, thiếu tính nhân văn và thiếu tâm, tầm trong công tác của những người liên quan»./.