“Hàng cây ở đường Nguyễn Trãi, Bưởi, Cổ Nhuế bị chặt hạ là sai với Luật Bảo vệ Môi trường, Luật đầu tư. Tất cả các dự án đầu tư mà có chuyện chặt cây, phá nhà, giải phóng mặt bằng… phải được báo cáo trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải được Hội đồng thẩm định thông qua”- GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ tại cuộc tọa đàm về quy hoạch phát triển cây xanh Hà Nội.

ong_dang_ptki.jpgGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng
Ông Phạm Ngọc Đăng cho biết, ông có tham gia Hội đồng thẩm định đánh giá dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án cũng như tư vấn rằng sẽ chặt tất cả hàng cây dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, Bưởi, Cổ Nhuế.

Ông Phạm Ngọc Đăng cho rằng, nếu trường hợp thấy không chặt cây hàng cây dọc đường Nguyễn Trãi sẽ không thể thi công được dự án thì phải làm báo cáo bổ sung và cũng phải thông qua Hội đồng đánh giá, lập hồ sơ và gửi tới Bộ Tài nguyên- Môi trường thẩm định; được phê duyệt thì mới được thực hiện việc chặt cây.

Cũng liên quan đến việc chặt cây hàng loạt ở Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho rằng, cách làm của Hà Nội vừa qua khiến người dân bức xúc.

“Tôi có cảm giác vừa qua Hà Nội có chiến dịch ra quân tàn phá cây, đi qua nhiều đường phố, như Nguyễn Trãi toàn bộ hàng cây rất đẹp có cây 50-80 năm bị chặt trắng” - GS. Đăng nói.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng dẫn lại khoản 1 Điều 14, Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị có quy định: “Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đỗ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”.

Trong đề án nêu thì lượng cây phải chặt và thay thế đều nằm ngoài các loại cây nêu trong khoản 1 Điều 14, Nghị định 64/2010/NĐ-CP, vì vậy muốn chặt phải xin phép. Nghị định cũng nói rất rõ, phải có đơn trình bày rất rõ chặt cây nào, cây đó phải được chụp ảnh, có hiện trạng, địa chỉ cụ thể. “Đề xuất chặt một lúc 6.700 cây, sao lại có chuyện lạ lùng đến vậy”.

“Hai việc chặt cây vừa qua nằm trong 2 chương trình, dự án khác nhau nhưng đều không đúng theo pháp luật của Nhà nước. Sau lầm đừng đổ cho người thực thi và các nhà tài trợ. Nhà tài trợ họ cũng cam kết là tài trợ để phát triển cây xanh, chứ không phải để chặt cây xanh”- GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.

Quy hoạch cây xanh đô thị phải trên cơ sở khoa học

Ông Phan Thanh Giang, kỹ sư cao cấp về lâm nghiệp đô thị cho rằng, cải tạo cây xanh đô thị là đúng, nhưng cải tạo bằng cách nào, thời gian, địa điểm chọn ở đâu nên lựa chọn trên cơ sở khoa học. “Cực chẳng đã cây nào sâu mục, nghiêng hỏng thì xử lý, quá trình cải tạo phải có trung gian, cây này để lại thì trồng xen cây kia”.

Ông Phan Thanh Giang
“Từ những năm 1977, chúng tôi đã tham gia Dự án quy hoạch, cải tạo hệ thống xanh Hà Nội. Tại sao tôi hoan nghênh chủ trương cải tạo cây xanh Hà Nội, vì thực tế từ trước kia, hệ thống cây xanh Hà Nội rất manh mún, đơn điệu và lộn xộn. trước đây, một TS người Mexico là thầy tôi đến Hà Nội, ông có khen màu xanh nhưng chê Hà Nội quá đơn điệu, vườn hoa chưa ra vườn hoa… Tôi ghi nhận nhận xét đó và cũng giống như hiện nay, cần phải có cải tạo hệ thống cây xanh Hà Nội”- ông Giang cho biết.

Theo ông Giang, thời gian cấp tập chặt một loạt cây xanh là tối kỵ. “Phải trồng xen dần dần, cần thiết lắm mới thay thế”.

Ông Phan Thanh Giang cũng băn khoăn về việc chọn cây, đánh giá của ban điều tra đã thực sự khoa học chưa? Cần phải có điều tra, đánh giá khoa học thì mới biết cây nào đáng chết thì cho chết, cây nào đáng thay thì cho thay.

Về vấn đề chọn cây, phải chọn phù hợp với cảnh quan đường phố như kiến trúc, người dân hai bên đường. “Ví dụ đường Thanh niên đưa 1 lúc 40 cây vàng anh, những cây này nở hoa mùa tháng 3-4 thì bẩn vô cùng. Nó có thể trồng điểm xuyết trong cảnh quan nhưng đưa ra hàng loạt thì cần phải xem lại. Đường Thanh niên rất thơ mộng, nên khi trồng cây cũng phải làm sao để mọi người nhìn thấy không gian mở đó. Cho nên chọn cây, tùy phố, tùy tính chất”./.