Để cứu cây trồng, vật nuôi trước cơn khô khát, thời gian qua người dân các tỉnh Tây Nguyên đã đào nhiều ao hồ, giếng, hố sâu lấy nước chống hạn. Bên cạnh mặt tích cực, những hố sâu được đào ngoài cánh đồng, trong ruộng rẫy, dưới lòng hồ hay ngay cạnh đường đi được làm một cách tạm bợ, không biển cảnh báo, không rào chắn đang trở thành những chiếc bẫy nguy hiểm cho con người và vật nuôi.

ho_nuoc_trong_ray_ca_phe_ltuw.jpg
Một hố nước trong rẫy cà phê

Chỉ sau vài tháng khô hạn, bề mặt lòng hồ của nhà máy chế biến mủ cao su ở thôn Tân An, xã Ya Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã bị biến dạng. Nguyên nhân là khi hồ nước khô cạn, người dân thôn Tân An thuê máy đào, máy múc tạo nên hàng chục hố sâu để tìm nguồn nước tưới cà phê.

Đa số các hố đào có độ sâu từ 3m trở lên, diện tích bề mặt rộng hàng chục mét, lại nằm sát bờ hồ, đây thực sự là những chiếc bẫy với con người và vật nuôi. Nguy hiểm hơn, chủ nhân những hố nước này tỏ ra rất chủ quan và không hề có ý định lấp lại khi mùa mưa đến.

Anh Nguyễn Trung Tuấn sở hữu một hố nước như vậy nó rằng: “Cái đập này là của nhà máy chế biến, trước mắt do hạn quá nên khắc phục kiếm nguồn nước để cứu cây. Chẳng nguy hiểm mấy vì chỗ này cũng bình thường thôi, nó khoảng 3m. Mưa xuống là nó tự lấp vì ở đây bùn không có chân, nhão lắm. Đây là hình thức tạm thời”.  

Những "hố tử thần" đe dọa tính mạng của người và gia súc

Thống kê sơ bộ của UBND xã Ya Chim, thành phố Kon Tum cho thấy, trong những tháng khô hạn vừa qua, người dân 11 thôn làng trong xã đã đào gần 200 ao, hồ, giếng nước để chống hạn. Không chỉ đào các hố nước dưới lòng sông, suối hay hồ đập thủy lợi, người dân còn đào ngay trong vườn cà phê sát với khu dân cư.

Những hố nước này có chung đặc điểm là thành vách dựng đứng, rộng hàng chục mét, độ sâu từ vài mét trở lên khiến bất cứ con người hay vật nuôi lỡ chân rơi xuống đều không thể tự thoát ra ngoài.

Lo lắng với những chiếc bẫy khổng lồ nhất là cho sự an toàn của trẻ em khi mùa mưa đến, ông Hoàng Nguyên Chiến, Chủ tịch UBND xã Ya Chim cho biết: “Đến mùa mưa, những ao hồ này đầy nước lên thì sẽ hết sức nguy hiểm cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, UBND xã đã thông báo về cho chi bộ, cho các thôn đề nghị toàn bộ những hộ dân có đào ao, đào hồ là phải cắm biển cảnh báo hồ sâu nguy hiểm, đồng thời phải rào kín các hồ này. Nếu hộ nào không chấp hành, nếu có tình huống xảy ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Nỗ lực chống hạn của người dân Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận. Song việc người dân đào nhiều ao hồ, giếng, hố sâu lấy nước một cách tự phát, không tuân thủ các quy định an toàn đang để lại hiểm họa với cuộc sống và môi trường tự nhiên.

Vụ 3 em học sinh bị đuối nước ở hố tưới cà phê xảy ra mới đây tại xã Glar, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai là lời cảnh báo thương tâm về sự nguy hiểm của những hố nước chống hạn nhất là khi Tây Nguyên vào mùa mưa./.