Trước thông tin, trong tháng 4 này phía thượng nguồn của sông Mê Kông xả nước, hiện nay, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đang tập trung các giải pháp chủ động “trữ” nước để chống hạn.

dap_xoai_hot_vov_copy_kkdq.jpg
Đập ngăn mặn trữ ngọt tại Kênh Sáu Ầu - Xoài Hột ( Tiền Giang).

Hiện nay, chính quyền và nhân dân các xã ven sông Tiền thuộc các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương hoàn thiện việc sửa chữa, gia cố hệ thống cống đập để vừa trữ ngọt vừa ngặn mặn phục vụ chống hạn cứu nguy cho hơn 15.000 ha vườn cây Sầu Riêng, Hồng xiêm im và vú sữa Lò Rèn  đang “khát” nước.  Khi nước sông Tiền có độ mặn giảm xuống mức cho phép là  chính quyền và nhân dân tổ chức bơm, tháo nước vào mương vườn.

Tại huyện Cai Lậy, ngoài việc trang bị máy đo mặn cho các xã ven sông Tiền, huyện tiến hành  đầu tư đắp 14 đập ngăn mặn, trữ ngọt ở các xã trọng yếu. Ngoài ra, các xã vận động nhân dân đắp đập các kinh nhỏ,  gia cố lại các cống trong mương.

Nằm trong kế  hoạch ngăn mặn, trữ ngọt, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo cho  ngành chức năng khẩn trương đắp đập thép kênh Xoài Hột - Sáu Ầu tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành; đồng thời, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước đường kính 140mm, hệ thống máy bơm điện có công suất 150 mã lực để bơm 600 m3 nước ngọt/h về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.

Anh Đào Minh Vũ, một công nhân đang thi công công trình này  cho biết: “Tôi trực suốt 24/24, rất tích cực. Công đoạn tôi làm phần cuối dự kiến 3-4 ngày nữa sẽ hoàn thành. Đem nước về cho dân sử dụng nên làm việc tuy vất vả nhưng vui vẻ, tập trung hết mình để làm”.

UBND tỉnh Tiền Giang còn chỉ đạo các ngành chức năng lên kế hoạch đắp 4 đập thép còn lại ở kênh Một thuộc huyện Châu Thành và các kinh Thầy Thanh, Giồng Tre, Cái Lá ở huyện Cai Lậy. Chưa lúc nào, công tác làm thủy lợi để chống hạn được tỉnh Tiền Giang tập trung quyết liệt như hiện nay.  

Lắp máy bơm điện để bơm nước ngọt về nhà máy xử lý nước.

Chứng kiến công trình thủy lợi trữ ngọt sắp hoàn thành, ông Nguyễn Văn Đồng, người dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang phấn khởi nói: “Tôi thấy làm như vậy rất hiệu quả. Nguồn nước này lấy được, dân sẽ không còn thiếu nước nữa. Hôm trước nước sinh hoạt ở đây hơi mặn, bây giờ thì tốt rồi”.

Tại cống Xuân Hòa ( huyện Chợ Gạo), Công ty trách nhiệm Một thành viên Khai thác thủy lợi Tiền Giang đã cử cán bộ, nhân viên trực,  thường xuyên quan trắc độ mặn trên sông để bơm vào hệ thống kênh Xuân Hòa cung cấp nước ngọt cho hàng chục ngàn hộ dân cùng ngọt hóa Gò Công đang thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

 Với những biện pháp vừa ngăn mặn vừa chủ động tích nước, trữ ngọt của các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Tiền Giang, hy vọng sẽ có nguồn nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của địa phương trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.