Thông qua Hội thảo này, các nhà tổ chức mong muốn các nhà báo khi đưa thông tin về trẻ em cần có cái nhìn công bằng, chính xác, tạo điều kiện để các em được tham gia ý kiến, thế hiện chính kiến góp phần chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Đức Ngọ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nêu rõ, thực tiễn thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã làm tốt vấn đề thông tin về trẻ em, về quyền trẻ em, song còn một số nhà báo khi đưa tin về vấn đề trẻ em đã gây không ít bức xúc trong dư luận.
Ông Đỗ Đức Ngọ đề nghị, bằng các tham luận của mình, các nhà báo, nhà khoa học mang những kết quả nghiên cứu chuyên sâu, những kinh nghiệm nghề nghiệp sinh động cũng như đề xuất nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến những nội dung: Quyền trẻ em, những vấn đề liên quan và chính sách Nhà nước về quyền trẻ em; Vai trò của báo chí – truyền thông trong việc thông tin về quyền trẻ em, về thực hiện quyền trẻ em; Đạo đức của nhà báo trong việc thông tin về quyền trẻ em, về thực hiện quyền trẻ em; Nội dung, phương pháp và kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo viết về quyền trẻ em trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay; Những cái được và chưa được khi nhà báo viết bài, phản ánh các vi phạm, xâm hại trẻ em; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết báo về trẻ em.
Tham luận của Nhà báo, TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng thực tiễn báo chí hiện nay ở Việt Nam cho thấy, ngôn ngữ báo chí viết về trẻ em có phần cẩu thả, lạm dụng thái quá về ngôn từ, đôi khi chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh. Với mục đích “câu view”, nhiều báo, trang tin mạng đặt các tít bài phản cảm, tùy tiện đưa ảnh của trẻ lên báo, vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của các em.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi chỉ ra một loạt tít phản cảm trong các tin bài viết về trẻ em: “Số phận của em gái bị cha đẻ hiếp dâm”, “Bé gái vừa bị kẻ hàng xóm hại đời, lại bị cha ruột hãm hiếp”, “Bố dượng đốn mạt, nhiều lần hiếp dâm con gái riêng của vợ mới 13 tuổi”, “Bé gái 15 tuổi đẻ sinh đôi… nghi bị hiếp dâm 13 lần!”… Hay trong một số trường hợp nhà báo giấu tên nạn nhân nhưng lại ghi đầy đủ địa chỉ của nạn nhân và thủ phạm như tin “Hiếp dâm trẻ em rồi cho 20.000 đồng”… Nhà báo Thành Lợi cho rằng, việc đăng ảnh nạn nhân là những em gái bị hiếp dâm, hay thủ phạm của vụ việc là những đối tượng chưa đến tuổi vị thành niên theo luật là không thể chấp nhận. Chưa kể nhiều báo đăng nguyên ảnh các em mà không dùng hiệu ứng làm mờ khuôn mặt của các em.
Với những dẫn chứng nêu trên, nhà báo Thành Lợi cho rằng, trong nhiều trường hợp có thể nói trẻ em đang là nạn nhân của truyền thông, đồng thời kiến nghị trong các trường đào tạo về báo chí nếu không thể có môn học riêng cũng nên tổ chức theo chuyên đề viết về trẻ em, giúp cho các nhà báo tương lai – từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nắm được phải nói như thế nào, viết như thế nào khi phản ánh về trẻ em.
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí-Truyền thông (Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng thách thức của nhà báo khi viết về trẻ em trong môi trường truyền thông hiện nay chính là sự thiếu hiểu biết của chính nhà báo. Cũng có trường hợp nhà báo có hiểu biết nhưng “cố tình” sử dụng quyền năng của báo chí để “câu view”
Đề xuất ý kiến tại Hội thảo, một đại diện của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em ở Thừa Thiên-Huế kiến nghị đẩy mạnh các mô hình tương tự như mô hình Câu lạc bộ phóng viên nhỏ để khuyến khích trẻ em nói cho trẻ em nghe, viết về trẻ em./.