Trung bình mỗi năm, tai nạn chết đuối đã cướp đi sinh mạng của 3.500 -4.000 trẻ em trong cả nước. Mặc dù nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị chết đuối, tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong đợi. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nội dung này.

PV:  Thưa ông, cứ vào dịp hè tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là trẻ bị chết đuối có chiều hướng gia tăng, vậy phải chăng những biện pháp chúng ta triển khai chưa hiệu quả?

duoi-nuoc-1_ooeb.jpg

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hải Hữu: Tai nạn thương tích nói chung và đuối nước ở trẻ em nói riêng năm nào cũng diễn ra. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp để giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của gia đình và xã hội, tuy nhiên, trên thực tế mỗi năm, tai nạn thương tích ở trẻ em vẫn ở mức cao khoảng 130.000 150.000 vụ, trong đó, đuối nước chiếm gần một nửa. Số tử vong do đuối nước là khoảng 4.000 vụ.

Tôi cho rằng nguyên nhân chính thuộc về gia đình, tức là do nhận thức và sự xao nhãng của cha mẹ. Sự xao nhãng ở đây đôi khi vô tình, không phải cố ý do nhận thức không đầy đủ, do sinh kế, đặc biệt đối với các nhà khó khăn, họ không có thời gian để quán xuyến con. Rất nhiều nguyên nhân trẻ em tử vong là do sự xao nhãng đó. Một nguyên nhân nữa là do chính bản thân trẻ em thiếu kỹ năng bơi. Vì trong quá trình phát triển kinh tế, phải xây dựng, đào đường… những chỗ như thế đã có rất nhiều trẻ em tử vong. Tôi cho đây là vấn đề cần tiếp tục cảnh báo để giúp các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ phải nâng cao nhận thức hơn nữa về trách nhiệm của mình và giúp trẻ em có kỹ năng bơi.

PV: Để giảm dần tình trạng trẻ bị chết đuối, ở một số địa phương vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã áp dụng mô hình điểm trông trẻ mùa lũ. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình này?

Ông Nguyễn Hải Hữu:Tôi cho rằng vùng lũ mà có những điểm giữ trẻ thì rất tốt. Vì đến mùa lũ, ở đồng bằng Sông Cửu Long năm nào cũng có trẻ bị đuối nước. Vì cha mẹ còn bận đi làm, trẻ em thường ở nhà một mình, điều đó rất nguy hiểm vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, mặc dù các em vẫn biết bơi nhưng vẫn có thể chết đuối. Những điểm trông giữ trẻ như vậy thì rất tốt vì có người lớn quan sát. Đây cũng là một biện pháp giảm sự xao nhãng của cha mẹ. Cha mẹ bận làm ăn thì có người lớn chăm sóc. Như vậy, tai nạn đuối nước sẽ giảm đi rất nhiều.

Đây là mô hình tốt chúng ta cần duy trì và phát huy. Cần hỗ trợ cho các điểm này có được cơ sở vật chất để chăm các cháu tốt hơn.

PV: Cơ chế nào để có thể duy trì và nhân rộng những mô hình như thế này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Hữu: Những điểm trông giữ trẻ như thế này thường được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và địa phương. Chúng ta có thể hỗ trợ cho người chăm sóc các cháu. Tất nhiên là trong khoảng thời gian rất ngắn. Hoặc là huy động các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ ủng hộ thêm vật chất để giúp cho việc chăm sóc các cháu tốt hơn.

Về chính quyền địa phương, tôi nghĩ về lâu dài, với các điểm này nên có cơ chế để hỗ trợ cho người nhận chăm sóc và hỗ trợ làm chỗ vui chơi giải trí cho các em. Vì ở đồng bằng Sông Cửu Long, điểm trông giữ rất nhỏ chỉ vài chục mét vuông để các cháu có thể ở bên trên còn lại là mênh mông nước. Nếu quan tâm hơn nữa, chính quyền địa phương có thể chọn những chỗ rộng rãi hơn để các cháu có thể tập trung được và cha mẹ chịu khó đưa các cháu đến. Như vậy sẽ hạn chế được việc tiếp xúc với môi trường nước.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.