Tại cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm năm 2020 diễn ra mới đây, tại Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị các Bộ, ngành cần hoàn thiện thông tư hướng dẫn một số quy định về an toàn thực phẩm trong Bộ Luật hình sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để đủ căn cứ pháp ly xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, tính đến cuối tháng 11/2020, toàn quốc ghi nhận 121 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.600 người bị ngộ độc, 30 người tử vong, (tăng 39 vụ, 568 người mắc, 21 người tử vong so với năm 2019).  Đặc biệt, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ, ngộ độc rượu có methanol tăng. Đặc biệt, vụ Pate Minh Chay gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát hiện vi khuẩn clostriduim botulinum trong mẫu sản phẩm.

Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và môi trường, Bộ Công an nhấn mạnh: "Tình hình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực và diễn ra ở hầu hết các công đoạn trong chuỗi thực phẩm. Trong công tác đấu tranh phòng ngừa từ khâu nhập khẩu như nhập khẩu trái phép thực phẩm, phụ gia nguyên liệu thực phẩm chưa được chứng nhận an toàn đến khâu sản xuất chế biến như sử dụng chất cấm, kháng sinh hóa chất công nghiệp, phụ gia ngoài danh mục không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất chế biến, hàng giả là thực phẩm. Đến khâu bảo quản, như sử dụng chất bảo quản nhiều danh mục cho phép, điều kiện bảo quản không bảo đảm như vụ pate minh chay, chúng tôi cũng cùng các đơn vị tiến hành làm. Có những cái gọi là vi phạm kị khí, không chỉ riêng trong pate minh chay mà còn nhiều trong các sản phẩm khác. Đến khâu tiêu thụ đưa sản phẩm không an toàn bào bếp ăn tập thể…".

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm về an toàn thực phẩm tập vẫn trung vào vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; tăng cường sự tham gia của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm theo đúng pháp luật; công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin, lựa chọn thực phẩm an toàn. Nhiều vấn đề nóng như sử dụng kháng sinh hóa chất trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm… cơ bản được xử lý.

Thành viên Ban chỉ đạo đề xuất các Bộ, ngành cần hoàn thiện thông tư hướng dẫn một số quy định về an toàn thực phẩm trong Bộ Luật hình sự, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để đủ căn cứ pháp lý xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt là hướng dẫn quy định về các phụ gia thực phẩm, các hóa chất phụ gia cấm trong chế biến thực phẩm. Thông tin về vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm các nước trên thế giới và tổ chức quốc tế chưa đưa ra danh mục cấm các chất phụ gia thực phẩm. Đây là điểm khó khăn cho Bộ y tế và các bộ ngành thống nhất ban hành danh mục cấm về phụ gia thực phẩm.

"Riêng về lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện Bộ Y tế đã đến bước cuối cùng của thông tư ban hành danh mục cấm các chất sử dụng trong thực phẩm sử dụng sức khỏe đây là nhóm đặc thù riêng nó có mối liên quan giữa dược phẩm và thực phẩm. Nên có những chất được dùng trong dược phẩm mà không được dùng trong thực phẩm chúng tôi có căn cứ để ban hành được", bà Trần Việt Nga nhấn mạnh./.