Ngày 4/7, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030".

Việc Hà Nội cấm xe máy tại các quận từ năm 2030 đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, đột phá, vì sự phát triển của Thủ đô.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, Đại biểu HĐND TP Hà Nội - ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng: “Cấm phương tiện xe máy trong nội đô được hay không phụ thuộc vào quyết tâm của Thành phố. Tuy nhiên việc cấm này phải có lộ trình. Nhìn ra thủ đô các nước trên thế giới, thậm chí là những nước chậm phát triển hơn Việt Nam, họ còn chẳng có cái xe máy nào đi ngoài đường”.

cam_xe_may_hlqq.jpg
Thủ đô với sự quá tải của phương tiện cá nhân (ảnh: Zing)
Theo ĐB Phạm Đình Đoàn, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, gần 486 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, Thành phố khác tham gia giao thông) cho nên nếu cấm phương tiện xe máy, chúng ta phải tính toán người dân sẽ phải di chuyển bằng phương tiện gì hay họ mua xe ô tô riêng? Nói chung việc dịch chuyển này rất lớn, kể cả ô tô cũng gây ra bất hợp lý.

“Theo tôi, từ xe máy và sau đó chuyển sang đi bằng xe buýt cũng thuận tiện vì phù hợp với mức thu nhập của người dân. Vấn đề quan trọng là giá cả và chất lượng sẽ như thế nào?”-ĐB Đoàn nêu vấn đề.

ĐB Đoàn dẫn chứng, rất nhiều người nước ngoài nói với ông rằng, họ rất thích đi xe buýt nhưng chất lượng dịch vụ chưa tốt. Nếu xe không sạch sẽ họ sẽ không thích đi. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng của dịch vụ xe buýt cũng là một yêu cầu lớn cùng với loại phương tiện di chuyển khác nữa.

“Tôi nghĩ, nếu chúng ta quyết tâm làm và được người dân ủng hộ chắc chắn đề án này sẽ khả thi. Nếu chúng ta không hạn chế xe máy, sẽ nhiều vấn đề nan giải, và nếu 5 triệu xe máy bây giờ trở thành 5 triệu ô tô (trong tương lai) thì nó sẽ khủng khiếp như thế nào?”- ông lo lắng.

ĐB Phạm Đình Đoàn

 

Giải thích lý do "e ngại", theo ĐB Phạm Đình Đoàn, chính là giải pháp lâu dài. Hiện mật độ dân cư trong nội thành quá lớn. Chúng ta cứ đào bới, cứ làm hạ tầng và giải phóng mặt bằng thì tốn kém quá. Cho nên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng một Hà Nội Mới.

ĐB Đoàn cho rằng, với thu nhập của người dân như hiện nay, nếu chúng ta có đề án xây dựng thành phố mới văn minh hơn, sạch đẹp hơn, người Hà Nội sẽ sẵn sàng đầu tư, có thể từ 10 đến 20 năm nữa bắt đầu hình thành một đô thị mới, một Hà Nội Mới - đó mới là điều cơ bản nhất.

Còn việc hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô chưa phải là tận cùng gốc rễ của vấn đề mà đó mới chỉ là xử lý ngắn và trung hạn. Ở nhiều nước trên thế giới, họ thiết kế mô hình đô thị có khu cũ, khu mới, khu lịch sử, khu bảo tồn, khu đô thị, khu tài chính…

ĐQBH Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cùng chung quan điểm với ĐB Đoàn và nhấn mạnh, ông hoàn toàn đồng ý với chủ trương này của thành phố.

“Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc cũng như tai nạn giao thông, góp phần tăng cường văn minh đô thị. Với giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, thành phố sẽ có các giải pháp về xe công cộng, chúng ta cần sử dụng không gian ngầm chạy tàu điện như các nước phát triển”- ĐBQH Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, việc hạn chế phương tiện cá nhân là để phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn cho người dân. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là hạn chế xe máy nhưng thành phố tìm các giải pháp để tăng cường hệ thống giao thông công cộng. Cùng với đó, Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, hệ thống xe buýt...

Tất nhiên Hà Nội cần nguồn kinh phí rất lớn, tôi cho rằng rất cần sự chia sẻ của Trung ương và xã hội hoá mới có thể thực hiện được việc hạn chế phương tiện cá nhân. Khi có nhiều chủ thể xã hội hoá với nguồn vốn lớn thì có thể thực hiện được đề án này.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cũng góp ý, Hà Nội có thể phát động phong trào để người dân đi bộ đi làm, cán bộ công chức đi bộ đến công sở. Điều này sẽ giúp người dân thói quen đi bộ vừa tốt cho sức khoẻ vừa không tốn kém, tiết kiệm cho xã hội. Trong định hướng tương lai, Hà Nội phải bảo vệ và làm tốt những con đường phục vụ đi bộ, đi xe đạp./.