Giảm tải áp lực cho các tuyến phố chính
Ngay sau khi Chỉ thị 17 của UBND. TP Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội, Công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã triển khai đồng loạt các biện pháp từ tuyên truyền nhắc nhở người dân trên địa bàn, đến thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng; đồng thời lập các chốt kiểm soát theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố, thôn bản cách ly với thôn bản, xã, phường cách ly với xã, phường, quận, huyện cách ly với quận, huyện, thành phố cách ly với tỉnh.
Theo đó, 5 chốt kiểm soát dịch Covid-19 đã được thành lập trên địa bàn phường Phú Đô, còn các lối mòn lối mở khác được dựng hàng rào di động nhằm phân bổ lực lượng cho các chốt điểm chính.
Ở mỗi chốt chặn được bố trí đầy đủ các lực lượng với sự tham gia của tổ Covid-19 cộng đồng, bảo vệ tổ dân phố, công an phường, lực lượng ủy ban phường, lực lượng phối hợp của công an quận. Đảm bảo mỗi chốt có từ 6-8 thành viên làm việc, chia thành các ca trực mỗi ngày từ 6h30 phút sáng đến 10h đêm. Nhiệm vụ mỗi chốt là kiểm soát người ra vào trong địa bàn, chỉ trường hợp cần thiết với các giấy tờ đầy đủ theo quy định mới được ra khỏi khu vực cũng như vào trong địa bàn.
Tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm cũng đã thành lập 11 chốt điểm kiểm soát Covid-19. Mỗi chốt kiểm soát đều thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát người vào ra trên địa, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ lưu thông hợp lệ của người dân theo Chỉ thị 17 của thành phố, các trường hợp sai phạm sẽ lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng từ đây, người dân ý thức được việc ra khỏi nhà khi không thật cần thiết sẽ bị xử lý theo quy định.
Thời gian qua, ở mỗi quận, huyện tại Hà Nội đều thành lập hàng loạt các chốt kiểm soát người và phương tiện lưu thông. Các chốt chặn tại mỗi ngõ ngách của các phường xã đóng vai trò như một lá chắn nhằm tránh tình trạng người dân ra đường quá đông, tránh tình trạng dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, giúp công tác khoanh vùng truy vết nhanh và dập dịch hiệu quả hơn.
Trung tá Lưu Quốc Huy, Phó Trưởng công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Khi các chốt kiểm soát tại mỗi phường/xã được lập nên, các thành viên làm nhiệm vụ tại chốt thực hiện phân chia ca, kíp, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện công việc. Mỗi chốt trực tại các phường, xã thực hiện kiểm soát người và phương tiện ra vào đúng mục đích, có giấy tờ xác nhận của địa phương. Khi các chốt kiểm soát hoạt động hiệu quả sẽ góp phần giảm tải áp lực cho các chốt ở các tuyến phố chính. Đồng thời, tại mỗi chốt chặn, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch góp phần thực hiện nghiêm và hiệu quả Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội”.
Ý thức người dân đã được nâng lên
Tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, ngay sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội, địa phương đã thực hiện công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân, đồng thời thành lập 2 chốt kiểm tra Covid-19 tại vườn hoa 1/6 và chốt ở ngã 3 Hồ Đắc Di. Về cơ bản việc quản lý con người và phương tiện ra vào địa bàn được kiểm soát chặt chẽ. Hạn chế được tình trạng người dân ra khỏi nhà không có lý do, trừ những trường hợp cần thiết như đi làm có giấy xác nhận đi đường theo quy định của thành phố, có phiếu đi chợ theo quy định của phường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Từ khi thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội và khi có quy định về mẫu giấy đi đường mới, bắt buộc người dân phải thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu này. Nếu như trước đây người dân ra đường không có giấy tờ gì thì giờ họ đã có ý thức hơn. Mỗi khi người dân ra đường có việc cần thiết đều có giấy tờ hợp pháp theo quy định của thành phố”.
Anh Lân, người dân phường Khương Thượng (Đống Đa), đi ra ngoài với lý do đưa cơm cho bố mẹ ở phường Quang Trung. Bản thân anh cho rằng mình đang làm việc thiết yếu bởi đó là vận chuyển lương thực, thực phẩm. Thế nhưng sau khi được lực lượng chức năng tại chốt điểm Hồ Đắc Di giải thích về Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội, anh Lân cho biết: “Từ ngày giãn cách tôi không ra khỏi nhà, nay tôi đưa đồ sang cho bố mẹ thì bị phạt. Bởi vì bản thân tôi nghĩ rằng nếu mình ra đường vận chuyển đồ thiết yếu cho người thân thì không nhất thiết phải xin giấy xác nhận của địa phương. Do đó, nếu biết được điều này thì tôi sẽ sẵn sàng chấp hành”.
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến 23/8. Trong 2 tuần tiếp theo thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các F0 ngoài cộng đồng, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm của công dân cùng cả nước chống dịch đóng vai trò quan trọng hơn cả./.