Cách đây tròn 60 năm- ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng Pháp De Castries, đánh dấu thắng lợi của Việt Nam ở mặt trận Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành một "cột mốc chói lọi bằng vàng" trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

60 năm trôi qua, ký ức về ngày chiến thắng 7/5/1954 vẫn sống động trong tâm trí các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Hòa chung trong niềm vui chung của cả dân tộc, cảm xúc của mỗi người chứng kiến phút giây lịch sử ấy có rất nhiều cung bậc khác nhau.

dien-bien-2.jpg
Quân Pháp đầu hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (ảnh tư liệu)

Rộn ràng niềm vui

Sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn", quân và dân ta đã toàn thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ, làm nên một chiến thắng vang dội toàn thế giới.

Với Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh- cán bộ tác chiến của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, lúc đón nhận tin chiến thắng là những phút giây ông không thể nào quên trong cuộc đời.

Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh kể: “Lúc đó, đơn vị đang chiến đấu ở  giao thông hào cách chỉ huy sở của địch chỉ 300 m. Các chiến sĩ đang chuẩn bị đánh địch thì thấy chúng ra hàng, anh em sướng lắm, báo tin cho Trung đoàn trưởng. Lúc đầu đồng chí không tin. Sau đó, thấy địch giơ cờ trắng mới tin”.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Trọng chiến đấu Đại đội 801, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45, Đại đoàn pháo binh 351- đơn vị trọng pháo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Niềm vui chiến thắng với ông Nguyễn Trọng thật khó có lời nào tả hết. Với ông Trọng, lúc ấy thấy chiến thắng là vui thích rồi, thực sự vui mừng lắm, sướng lắm.

60 năm trôi qua, nhưng niềm vui của phút giây chiến thắng vẫn còn rạo rực trong lời kể của bà Trần Thị Ngà - diễn viên của đoàn ca múa Tổng cục Chính trị phục vụ tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bà Trần Thị Ngà hoài niệm: “Thời gian về cuối chiến dịch, bộ đội vào các chốt chiến đấu, văn công các sư đoàn được điều về một điểm để làm đường. Khi nghe tin chiến thắng thì đoàn văn công xúc động và vui sướng vô cùng. Sáng 6/5/1954, mọi người đang ăn xôi sáng thì thấy có một chiếc xe ô tô chạy lại, các đồng chí bộ đội nói: Các đồng chí văn công tránh ra cho xe của De Castries. Chúng tôi nghe thấy thì phấn khởi quá, chạy theo và tất cả chạy và hô "De Castries" và đuổi theo xe để xem mặt. Lúc đó vui lắm, phấn khởi lắm…”.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân vui mừng trước chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 (ảnh tư liệu)

Xen lẫn niềm tiếc thương đồng đội

PGS.TS Nhà giáo Nhân dân Vũ Hướng, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khi ấy cũng có mặt trong đội ngũ các văn nghệ sĩ đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ kể rằng, trong niềm vui của ngày chiến thắng, ông không khỏi ngậm ngùi khi nhớ tới những đồng đội đã hy sinh.

Thương tiếc đồng đội đã hy sinh không được đón nhận tin chiến thắng. Đó cũng là cảm nghĩ của Đại tá Trần Quốc Thanh, chiến đấu ở Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Ông kể lại, ngày 26/4/1954, ông bị thương, nên ngày 7/5/1954 ông đang nằm trong bệnh viện, thế nên tin chiến thắng về là không biết ngay được vào buổi chiều, phải buổi chiều tối thì mới thấy là trên cả khu rừng, các lán thương binh tiếng reo từ xa cứ lan dần, lan dần đến cả khu rừng thương binh. Một lát sau thấy các bác sĩ và mấy cô y tá mới chạy đến lán chúng tôi nói là: “Các anh ơi!

De Castries
đầu hàng rồi, Điện Biên Phủ toàn thắng rồi”. Tự nhiên trong người ông thấy bàng hoàng và cảm thấy rất là sung sướng. Cảm giác không ra là vui hẳn nhưng mà thấy người nhẹ hẳn đi và cảm thấy tiếc cho những anh em đã hi sinh không được nghe tin ngày chiến thắng...

Đón nhận tin chiến thắng tại Mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu nhiều người không dám tin là thật. Đại tá Trần Liên, cán bộ tham mưu của Trung đoàn pháo cao xạ 367 kể lại, sau nhiều ngày phải náu trong hầm, vào ngày 7/5/1954 đáng nhớ ấy, ông và đồng đội mới được tự do hít thở không khí trong lành trên mặt đất. Hạnh phúc rất đỗi giản dị ấy khiến ông Liên mừng vui đến trào nước mắt. Bởi vì, suốt trong thời gian chiến dịch, người nào trực thì mới đứng ra ngoài, không trực là phải chui vào hầm. Chiều tối 7/5/1954, tất cả mọi người ở đơn vị ông mới được ra ngoài hầm, cảm thấy một không khí nó thật là mát mẻ, vui vẻ quá. Mọi người không không nghĩ là mình thắng nhanh như thế. Khi mà nghe tuyên bố đã thắng, tất cả cảm giác không thể nói thành lời, có thể nói là sung sướng trào nước mắt...

Và thương nhớ những người thân yêu nhất

Đại tá Nguyễn Bắc, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân, ở chiến dịch Điện Biên Phủ chiến đấu ở đại đội 801, thuộc tiểu đoàn 632, Trung đoàn 45- lựu pháo 105 nhớ lại, trong phút giây không thể nào quên ấy, bộ binh và pháo binh là ôm nhau hoan hô. Lúc ấy, chưa có người yêu nên ông chỉ nhớ về gia đình. Khi đang chiến tranh, gia đình đi tản cư khó khăn, thì bây giờ hòa bình, chỉ mong mọi người được sống bình yên, hạnh phúc.

Đại tá Lê Kim là cán bộ Tuyên huấn của Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, chiến đấu ở mặt trận phía Tây đánh sân bay Mường Thanh nhớ lại, mấy hôm trước trời mưa, nhưng đến chiều 7/5/1954 thì trời nắng đẹp. Khi thấy địch kéo cờ trắng ra hàng, anh em reo hò vui sướng, chẳng thiết gì ăn uống. Mừng vui, nhưng lúc đó mọi người mới thấm mệt.

Ông Kim nằm dài trên bãi cỏ và suy nghĩ: "Chắc rằng chiến tranh chưa thể chấm dứt ngay được. Bao giờ mới đánh về Hà Nội? Vùng Tây Bắc được giải phóng rồi, còn vùng Đông Bắc thì sao?". Người đầu tiên mà ông Lê Kim nghĩ tới chính là người vợ thân yêu, đang sống ở khu Đông Bắc. Bởi vì hai vợ chồng ông cưới nhau đã 8 tháng, nhưng lại chưa được một lần sống với nhau như vợ chồng. Phải chờ đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ hơn 500 ngày sau ông Kim và người vợ trẻ mới được đoàn tụ.

Lý do là vì, vợ ông Kim dạy học ở khu du kích ở Hồng Quảng. Ông cưới vợ ngày 23/9/1953. Lễ cưới vào khoảng 14h chiều, xong thì có tin địch kéo vào càn quét. Thế là vợ tôi và cả trường học đi sơ tán lùi về phía sau. Là cán bộ tiểu đoàn, không thể đi sơ tán cùng vợ, ông ở lại cùng anh em dân quân ở đó để chống địch. Nhưng địch lại không vào.

Chiều hôm sau, ông phải trả phép đơn vị, lúc bấy giờ mới biết là đi chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ và đi một mạch luôn. Như thế là đôi vợ chồng trẻ có lễ cưới mà không có đêm tân hôn. Điện Biên Phủ thắng rồi, nhưng vợ của ông Kim ở khu vực Hòn Gai và Quảng Ninh, là khu tập kết 500 ngày của địch. Đến tháng 5/1955, địch mới rút và lại phải chờ đến ngày 16/11/1956 thì hai vợ chồng ông mới được gặp nhau ở Hà Nội. Tức là sau lễ cưới hơn 1.000 ngày, vợ chồng ông Kim mới sống với nhau thực sự là vợ chồng và ngày 2/10/1957 ,vợ ông mới sinh con gái đầu lòng.

Góp sức làm nên chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc, có rất nhiều người đã tạm quên tình riêng cho việc chung của đất nước. Và cũng có sự hy sinh mất mát của nhiều gia đình. Trung tướng Hồng Cư, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Người anh trai của ông đã hy sinh chỉ vài giờ trước thời điểm địch ra hàng. Trung tướng Hồng Cư kể lại, khoảng 16-17h chiều 7/5/1954, ông nhìn thấy rất nhiều cờ trắng của kẻ địch ra hàng. Mừng vì như thế này chúng ta đã tiếp cận vào đích cuối cùng của chiến thắng, nhưng sau đó thì tôi đi tìm anh ruột của ông. Hai anh em có hẹn nhau là chiến thắng gặp nhau ở hầm tướng De Castries. Ông chờ suốt đêm hôm đó và ngày hôm sau không được, rồi đã tìm đến đơn vị của anh trai mình và biết tin anh đã hy sinh trước giờ chiến thắng mấy tiếng đồng hồ...

Gần 50.000 cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ đã sẵn sàng xả thân vì nước, đạp bằng mọi gian khổ, chiến đấu kiên cường dũng cảm và mưu trí sáng tạo, góp phần cùng toàn quân và toàn dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Rất nhiều người đã anh dũng hy sinh để góp sức cho ngày chiến thắng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. 60 năm trôi qua, tinh thần của các chiến sĩ Điện Biên ngày càng sáng ngời, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau dõi theo và bước tiếp, nhân thêm mãi ngọn lửa tinh thần của các chiến sĩ Điện Biên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.