Tôi kiên nhẫn đợi đến tối 27/4 có cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên môi trường để trả lời, nhưng nói thật là thất vọng hoàn toàn. Với sự hiểu biết của một công dân bình thường trong thời hiện đại, thông tin được cập nhật trên mạng Internet mà vị đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho nguyên nhân cá chết hàng loạt kéo dài 200 cây số là do "thủy triều đỏ" thì thật nực cười. Vì thực tế không có hiện tượng tảo nở hoa.

Một nguyên nhân đại chung chung đưa ra là do con người tác động vào. Con người ấy ở đâu? Nông dân, ngư dân, quân đội hay nhà máy, công trường?  Kết luận thứ ba do thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định là: ”Đến nay qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.” Nghe qua, nhớ ngay đến nhận định của vị thứ trưởng này khi đến Vũng Áng thị sát, rằng: ống dẫn nước thải ra biển của nhà máy luyện thép Fomosa được Bộ Tài nguyên môi trường cấp phép.

1_36117_kzpo.jpg
Ngư dân miền Trung đau xót vì cá chết hàng loạt. 

Thế nhưng, cũng tại Vũng Áng, ngày 28/4, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà sau khi kiểm tra tình hình tại chỗ đã khẳng định: đường ống chất thải của Formosa “là không cho phép”. Một thông tin rất đáng lưu ý là Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên Huế khẳng định chất độc trong cá chết hàng loạt có Crom và nhiều kim loại nặng khác vượt chuẩn. Một thực trạng nhãn tiền, ai cũng biết, cũng hiểu là cá chết từ Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Người dân bình thường nhất cũng đánh dấu hỏi từ đây.

Cuộc họp liên bộ ngày 27/4 có Bộ TNMT, NN PTNT, các bộ ngành có liên quan, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước. Theo ông Nhân đây là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà khoa học và cơ quan quản lý của TW và địa phương về vấn đề này. Hội nghị đầy ắp trí tuệ như vậy mà kết luận không như mong đợi của dân, còn gây bức xúc trên công luận.

Một dải bờ biển dài 200 cây số với hàng triệu dân, đặc biệt là ngư dân và du khách đang mỏi cổ chờ kết luận khoa học, trung thực và thực tiễn của các nhà khoa học tâm huyết, trách nhiệm, tự trọng, các nhà lãnh đạo, quản lý vì dân vì nước.

70 tấn cá chết. 200 cây số bờ biển bị ô nhiễm. Hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn, bãi biển vắng khách. Cá chết, biển vắng, tàu cá lên bờ, treo lưới. Cá tôm lồng bè đến kỳ thay nước, nhưng dân không dám vì chưa biết nước biển đã sạch chưa?

Theo GSTSKH Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường, Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh thì cá nhiễm chất độc phải thiêu hủy trên 1000 độ. Đem chôn là không an toàn. Vậy mà, hàng ngày thương lái thu gom cá chết đi bán làm thức ăn, làm mắm, hay chế biến thức ăn gia súc. Một việc làm cực kỳ nguy hiểm, gieo rắc, phát tán chất độc vào cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môM trường Võ Tuấn Nhân khẳng định chưa có sự liên quan giữa cá chết với các hoạt động của Formosa. (Ảnh: Lại Thìn)

Hơn thế nữa chất độc trong nước biển, trong cá còn di hại về sau, ảnh hưởng đến sức khỏe con cháu, thế hệ mai sau. Nhiều bệnh quái ác ập vào cướp đi mạng sống con người do nhiễm độc trên thế giới đã từng xảy ra.

Ngày 28/4, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã nhận định trước báo chí: “Đây là thảm họa môi trường lớn, hết sức nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam”. Cùng ngày Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho đây là “sự cố môi trường lần đầu tiên xẩy ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.” Sự cố hay thảm họa là cách nói của lãnh đạo, còn người dân quê tôi thực sự coi là thảm họa. Cá không ai mua, ngư dân treo lưới, treo niêu. Biển đẹp như Cửa Tùng một thời là nữ hoàng bãi biển không ai dám tắm. Biển Nhật Lệ vốn sầm uất nay thưa thớt. Ngành du lịch thất thu lớn. Cả 200 cây số bờ biển, biết đâu là sạch, đâu là còn ô nhiễm để mưu sinh. Dân không lo lắng, hoang mang sao được. Đến bao giờ mới hoàn nguyên môi trường biển?

Thời gian cứ trôi đi. Dân quê tôi đăm đắm nhìn biển chết, tai chờ nghe một tiếng nói thật, khoa học, khách quan, cụ thể và kịp thời từ các nhà khoa học, nhà quản lý từ trung ương đến địa phương.

Tôi chỉ biết khuyên các em tôi, bạn bè trong nớ, lúc ni đừng ăn cá biển, đừng tắm biển. Thế thôi./.