Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 2 nhóm nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở miền Trung là do độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (hay còn gọi là thủy triều đỏ), một số chuyên gia nhận định là không thể có 2 nguyên nhân xảy ra cùng một thời điểm.

Tiến sỹ Bùi Quang Tề, chuyên gia lĩnh vực thủy sản cho rằng: Nhóm tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển là chính xác, nhất là không thể có hai nguyên nhân xảy ra cùng một thời điểm. Bởi tác động của các độc tố hóa học từ đất liền xả thải sẽ dẫn đến tảo nở hoa. Tảo độc là do con người tạo ra.

ca_chet_hayo.jpg
Cũng theo chuyên gia Bùi Quang Tề, nếu tảo nở hoa nước sẽ có màu đỏ, xanh, hoặc nâu trên cả vùng biển, khi dạt vào bờ nó sẽ bốc mùi hôi thối, khó chịu. Trong khi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có cá chết thì chưa có tỉnh nào báo cáo có thủy triều đỏ. Đáng chú ý là tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, sẽ gây cá chết ở tầng mặt chứ không phải tầng đáy.

Chuyên gia Bùi Quang Tề phân tích: Năm 2001, Bình Thuận, Ninh Thuận có hiện tượng thủy triều đỏ làm cá chết, chiều dài màu đỏ ấy tới 25km và chiều rộng 5km, nước biển trở thành cháo lớp dính dính. Còn trong trường hợp này nước biển vẫn trong, xanh và cá vẫn cứ chết. Cá, tôm, các động vật đáy chết không phải vì bệnh, theo tôi nghĩ dứt khoát phải gây ô nhiễm từ đất liền đẩy ra, cơ quan trách nhiệm phải tìm. Chúng ta phải phân tích thật cụ thể.

Theo PGS-TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cần nghiên cứu cụ thể cả 2 nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở miền Trung, phân tích nguyên nhân nào là chính, trong đó phát hiện thủy triều đỏ có thể nhìn bằng mắt thường. Hiện tượng này không ảnh hưởng đến cá lớn ở ngoài khơi xa. Nguyên nhân do tác động của độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người mới là chủ yếu, cần nghiên cứu kỹ và sớm công bố.

Theo ông Tiến, có nhiều khả năng có kim loại nặng xả thải ra, các nguồn động vật đáy ở dưới độ sâu sẽ còn nằm trầm tích, phải tính kỹ, đó mới là nguyên nhân chính. Vì cá ở tầng sâu, tầng đáy không di chuyển đi đâu cả, chỉ loanh quanh ở đó nên lấy mẫu cũng rất dễ để mà nghiên cứu.

Cho nên, chúng ta phải có mẫu trầm tích ở đấy, các giống cá ở tầng đáy căn cứ vào đó, so sánh với trầm tích ở vùng lân cận, bên cạnh nhưng cá vẫn đang còn sống thì sẽ có đối chứng được do đâu.

Giả sử nguồn xả từ Formosa có các chất đấy không sẽ có điều kiện để đánh giá một cách chính xác nhất./.