Qua quá trình thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã xác định những sai phạm trong vòng 5 năm từ năm 2011 - 2015 tại Trung tâm BTXH Nghệ An, trong đó tổng số tiền chi sai, chưa chi trả tại đây lên đến gần 780 triệu đồng.
Trước đó có thông tin phản ánh tại trung tâm này xảy ra tình trạng bớt xén khi mua thực phẩm, lương thực để nấu ăn cho các đối tượng được chăm sóc tại đây, bữa ăn của người tâm thần vốn đã thiếu thốn lại càng trở nên kham khổ.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 2/11, ông Đỗ mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, những người trong trung tâm là đối tượng rất khó khăn, nghèo khổ nên việc bớt xén là sự vi phạm nghiêm trọng cả về mặt pháp lý cũng như về đạo lý.
Ông Đỗ mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội |
PV: Báo chí vừa thông tin đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã xác định số tiền chi sai, chưa chi trả tại tại Trung tâm BTXH Nghệ Antrong 5 năm là gần 800 triệu đồng. Cảm nhận của ông như thế nào trước thông tin này?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Cách đây ít lâu, báo chí đã có thông tin về bữa ăn rất đạm bạc của những đối tượng sống trong trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Nghệ An. Lãnh đạo trung tâm đã giải thích là do địa phương chưa điều chỉnh được mức phụ cấp đối với các đối tượng này theo Nghị định 136 của Chính phủ.
Cho đến lúc này thì thấy không hẳn như vậy khi có thông tin nói rằng có hiện tượng bớt xén, ăn chặn kinh phí ít ỏi trong chế độ chính sách đối với các đối tượng đang sống ở trung tâm này.
Đảng và Nhà nước ta coi những chính sách về an sinh xã hội là một chính sách nhất quán cần có sự quan tâm đặc biệt. Trong thực tế, chúng tôi đi giám sát thì thấy chính sách này của Nhà nước được các cấp Đảng và chính quyền rất quan tâm và tổ chức thực hiện để đảm bảo một trong bốn nội dung trụ cột về chính sách an sinh xã hội là trợ cấp đối với các đối tượng khó khăn.
Hiện tượng như ở Trung tâm bảo trợ xã hội ở Nghệ An có thể nói là rất hiếm. Những người trong trung tâm là những người rất khó khăn, rất nghèo khổ, nhẽ ra phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống và điều kiện sinh hoạt cho họ. Nhưng cán bộ liên quan đã không làm được như vậy mà còn có hiện tượng bớt xén gây ra sự vi phạm nghiêm trọng cả về mặt pháp lý cũng như về đạo lý.
Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm này.
PV: Sự việc này được các nhà làm từ thiện phát hiện. Sở LĐ-TB-XH của tỉnh Nghệ An vào cuộc nhưng ban đầu không phát hiện sai phạm và đến cuộc thanh kiểm tra liên ngành mới chỉ ra được những sai phạm. Đại biểu có đánh giá như thế nào?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Việc thanh tra mà không phát hiện ra dù trong thực tế có vi phạm cho thấy hai khả năng: Một là do năng lực chuyên môn, trình độ hạn chế nên không phát hiện ra vi phạm. Hai là có thể biết nhưng do những lý do khác mà vẫn cố tình nói là không phát hiện vi phạm. Theo tôi, cả hai trường hợp này đều cần làm rõ và xử lý nghiêm.
Với người ở trung tâm, phải xác minh làm rõ sự việc và căn cứ vào quy định của pháp luật để tuỳ theo vi phạm mà xử lý tương ứng. Nếu đến mức phải truy tố thì cần thiết phải tiến hành để làm gương trong một lĩnh vực rất nhạy cảm, được cả xã hội quan tâm. Nếu vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự thì cũng phải có xử lý nghiêm.
PV:Dù như ông nói đó là một trường hợp khá hiếm nhưng liệu sự việc này có phải là một hồi chuông cảnh báo và các cơ quan chức năng cần kiểm tra các trung tâm bảo trợ xã hội khác?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng đó là một sự việc rất đáng tiếc và đó không chỉ cảnh báo với các trung tâm, đơn vị mang tính chất công lập mà kể cả những đơn vị, những trung tâm hoạt động bằng kinh phí từ các nguồn khác.
Chúng ta rất hoan nghênh các vòng tay thân ái và sự chia sẻ với những người khó khăn, nhất là những người cao tuổi cô đơn, những người khuyết tật. Nhưng chúng ta cũng không chấp nhận thái độ vụ lợi, lợi dụng sự quyên góp và lòng hảo tâm của xã hội để có cách làm bớt xén, ăn chặn của các đối tượng này.
Tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta phải khuyến khích để huy động tốt hơn những nguồn lực xã hội cho những hoạt động này. Mặt khác phải xử lý nghiêm những sai phạm để làm bài học.
PV: Ông có cho rằng nên xem xét lại chế độ chính sách với những người ở trong các trung tâm bảo trợ xã hội?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Uỷ ban chúng tôi vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, cụ thể là với người khuyết tật.
Chúng tôi đã kiến nghị từng bước điều chỉnh mức trợ cấp cho các đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội, bởi với mức trợ cấp hiện nay chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống cho các đối tượng.
Ở các địa phương, ngân sách địa phương phải bố trí bổ sung. Lãnh đạo các trung tâm cũng đều có sự vận động đối với các nguồn kinh phí khác để nâng mức sống, chi tiêu, đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho các đối tượng ở các trung tâm này./.
PV:Xin cảm ơn ông!./.