Sự việc cán bộ một số thôn ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bớt xén tiền, quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng cho các hộ bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vào tháng 11/2013 đã và đang gây bức xúc trong lòng dân, không chỉ ở xã Đại Hưng mà cả dư luận xã hội. Dù rằng những hành vi đáng xấu hổ, những vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu người dân còn tin vào đội ngũ cán bộ lợi dụng chức, quyền xà xẻo miếng ăn của dân nghèo? Và làm sao có được đội ngũ cán bộ luôn đặt quyền lợi của người dân lên hết thảy; được lòng dân, được dân yêu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở và luôn mong muốn?! 

Đáng tiếc, việc một số cán bộ thôn ăn chặn tiền, quà của dân nghèo như ở xã Đại Hưng không phải là trường hợp hy hữu. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp lễ, tết; sau những đợt cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, nơi này nơi khác lại có hiện tượng tiền, quà không đến được tay người dân. Đó quả là một thực trạng đáng lo ngại khi nó không chỉ xuất hiện ở một vài nơi, do một vài người thực hiện mà đã phát triển ở diện rộng, với một tập thể cán bộ cơ sở thoái hóa, biến chất. Hành vi ấy xét ở góc độ đạo lý là không thể chấp nhận, nếu không muốn nói là bất nhân. Sự việc đau long này khiến Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải kêu trong một phiên họp Quốc hội rằng, “ăn của dân không từ một thứ gì”!

quang-nam.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con vùng lũ Quảng Nam

Thật đau lòng khi phải nói về một bộ phận cán bộ của mình như thế. Nhưng đó lại là một thực tế. Cán bộ chức quyền to thì tham nhũng lớn với hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Cán bộ nhỏ hơn thì hàng chục, hàng trăm triệu; đến cán bộ nhỏ hơn nữa cũng không từ, khi ăn cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, bớt xén tiền ăn của trẻ em khuyết tật.

Đã có không ít trường hợp cán bộ thôn, xã bị xử lý kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này, nhưng vì sao nó vẫn tồn tại, gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân?

Hành vi tham lam tiền tài, vật chất trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng đáng lên án. Bởi, tất cả những thứ mà họ chiếm đoạt đều được gây dựng từ mồ hôi, công sức của người dân. Trong tâm mỗi con người luôn có những thứ kịch độc là tham, sân, si. Nếu không được thường xuyên rèn luyện, không nhận diện được bản chất thì sẽ bị nó chi phối. Những cán bộ ấy đã bị “cái tham” ngự trị, bất chấp mọi thứ, kể cả đạo đức, nhân cách để đáp ứng những ham muốn vô cùng của bản thân.

Điều đáng nói là câu chuyện cán bộ bớt xén tiền, quà hỗ trợ, cứu trợ ở địa phương dường như đã trở thành một thói quen; thành hệ thống; thành một việc làm, dù không muốn nhưng người dân cũng phải chấp nhận. Thực tế đó cho thấy, ngoài một bộ phận cán bộ cơ sở hư hỏng thì cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể chưa phát huy được vai trò quản lý, giám sát của mình; chưa có những việc làm, tiếng nói quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Thậm chí, trong một vài trường hợp họ còn là những nhân tố tích cực tham gia xà xẻo, bớt xén miếng ăn của những người cần có miếng ăn. Họ đã làm mất đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc thông qua những chính sách, việc làm cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm tới đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, đã và đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Cán bộ ấy, việc làm ấy làm sao xây dựng và củng cố được lòng tin của dân?

Thực tế đã chứng minh, ở đâu có cán bộ tốt thì ở đó phong trào tốt, an ninh-chính trị ổn định, kinh tế-xã hội phát triển. Ở những nơi ấy cán bộ được dân tin, dân mến và họ sẵn sàng tham gia, hưởng ứng các hoạt động, không nề hà khi hy sinh cả lợi ích vật chất của bản thân và gia đình. Đơn giản rằng, đội ngũ cán bộ ở đó luôn gương mẫu đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm. Họ luôn vì dân, vì quyền và lợi ích của người dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư". Nếu không làm được điều ấy, theo Người thì đó chỉ là “quan cách mạng” chứ không phải công bộc của dân.

Vì thế, khi đã là “cán bộ”, có nghĩa đã được người dân tin tưởng giao phó nhiệm vụ, người làm “cán bộ” cần có những việc làm xứng đáng với sự tin tưởng ấy, xứng đáng với những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người dân làm ra để nuôi sống họ. Không thể như một bộ phận “cán bộ” chỉ rình rập bòn rút từng đồng quà, tấm bánh người dân nghèo được Chủ tịch nước tặng như ở Quảng Nam; hay bớt xén, ăn chặn tiền Tết của gia đình chính sách ở một số địa phương khác. Những con người ấy cần phải loại bỏ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại lòng tin của nhân dân./.