Mặc dù đã sẵn sàng các phương án thoát nước, chống úng ngập, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, người Hà Nội lại rơi vào tình trạng sống chung với lũ. Vì sao Hà Nội vẫn ngập? Đặc biệt là trong bối cảnh Dự án thoát nước thành phố giai đoạn hai với số tiền lên đến 6.500 tỷ đồng đang đi đến giai đoạn cuối?Chật vật sống chung với ngập lụt

Hơn 40 năm sống tại xã Mỹ Đình (nay là khu đô thị mới Mỹ Đình), huyện Từ Liêm nhưng chưa bao giờ ông Trần Nhật Oanh lại chứng kiến cảnh ngập lụt ngày này qua ngày khác như đợt mưa lũ vừa qua. Ông Oanh cho biết, vì chủ quan nhà ông nằm trong địa bàn mới quy hoạch, khu vực được coi là văn minh và hiện đại của thành phố, nên gia đình chẳng mảy may nghĩ đến việc nước lũ vào nhà. Khi nước bủa vây (sau nhiều trận mưa do cơn bão số 6 vừa qua), rồi ngập vào nhà gần nửa mét, nhiều đồ đạc bị hư hỏng.

ngap-2.jpg
Mặc dù đã sẵn sàng các phương án thoát nước, chống úng ngập, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, người Hà Nội lại rơi vào tình trạng sống chung với lũ (Ảnh: Ngọc Thành)

Ông Oanh nói: “Trước đây Mỹ Đình còn là làng thì mưa to mấy cũng không bao giờ ngập. Nhưng từ khi Mỹ Đình được quy hoạch thành khu đô thị mới, dân cư đông, các nhà cao tầng mọc lên, đường sá mở rộng hơn thì hệ thống thoát nước lại có vấn đề, mưa xuống lại ngập gây khó khăn cho người dân”.

Trận mưa 8-9/8 vừa qua không phải lần đầu tiên nhiều tuyến phố ở Thủ đô ngập trong nước, mà hầu như năm nào người dân khu vực Đuôi Cá-Trương Định, Tân Mai, Lĩnh Nam cũng ít nhất một lần chịu cảnh sống chung với ngập úng.Vì Hà Nội cứ mưa lớn là ngập?

Để giải quyết tình trạng úng ngập khi mùa mưa đến, từ năm 1996 đến nay Hà Nội đã “dốc” hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước, trong đó giai đoạn hai của Dự án được triển khai 11/2008 với tổng số vốn ban đầu là 6.500 tỷ đồng. Đến nay, số kinh phí của dự án đã tăng thêm hơn 2.000 tỷ do phát sinh tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng vì sao, với một lộ trình dài và nguồn vốn đầu lớn như vậy, mà đến nay Hà Nội vẫn cứ mưa lớn là ngập?

Trả lời phóng viên Đài TNVN, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho rằng, những điểm úng ngập cục bộ trong nội đô hiện nay là do Dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời khẳng định thực trạng này sẽ được giải quyết khi giai đoạn hai của Dự án kết thúc vào năm 2015. Còn những khu vực phát sinh ngập mới như đường vành đai, khu vực Keangnam, Mỹ Đình dù là khu đô thị song trục thoát nước vẫn là trục tưới tiêu nông nghiệp, nằm ngoài Dự án thoát nước giai đoạn 2.

Ông Phạm Văn Cường cho hay: “Trong khu vực nội đô- khu vực phạm vi của dự án, các gói thầu hiện nay đang được tiến hành, nên khi hoàn thiện thì tình hình chắc chắn sẽ khác. Hiện tại đang tổ chức thi công nên vẫn còn những điểm úng ngập, như hệ thống mương đang bị co thắt sẽ làm chậm khả năng thoát nước…”.

Tuy nhiên, những lý do mà các cơ quan liên quan của thành phố đưa ra như: một số điểm chưa nằm trong vùng quy hoạch, hay Dự án thoát nước giai đoạn hai đang tiến hành dang dở để biện minh cho tình trạng Hà Nội cứ mưa lớn là ngập đã không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, thoát nước…

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hạn chế của việc thoát nước ở Hà Nội hiện nay vẫn là kịch bản quy hoạch quá cũ. Đó là kịch bản do tổ chức JICA Nhật Bản lập cách đây 20 năm, bổ sung 5-10 năm nay. Do vậy, Hà Nội úng ngập và xuất hiện thêm nhiều điểm mới là điều dễ hiểu.

Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam khẳng định, thực trạng mưa lớn là úng ngập của thành phố Hà Nội hiện nay là ở vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch. Cốt nền tại từng khu vực không được xác định một cách đúng hướng để tạo độ dốc trong thoát nước. Trong khi, quy hoạch tổng thể các khu đô thị lại rải rác, thiếu tập trung.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho biết thêm: “Nhà đầu tư kiếm được đất ở đâu thì xin ở đấy, không phải Thành phố cho xây dựng theo đúng ý đồ người thực hiện theo quy hoạch. Vậy nên, ở Hà Nội các khu đô thị mới ở rải rác như Hồ Tây, Mỹ Đình, Linh Đàm, Yên Sở không liền nhau, và như vậy không giải quyết được vấn đề hạ tầng chung, trong đó có thoát nước”.

Rõ ràng, với thực tế những gì đang diễn ra thì việc người dân Thủ đô sống chung với ngập úng vẫn là câu chuyện dài kỳ. Ai dám chắc đến năm 2015, khi Dự án thoát nước với số tiền 6.500 tỷ đồng về đích thì Hà Nội sẽ xóa hết các điểm úng ngập nội đô? Còn đối với những khu vực như Mỹ Đình, Keangnam, Mễ Trì… nằm ngoài Dự án thoát nước giai đoạn hai, có lẽ rất lâu nữa mới có thể nói chuyện hạn chế úng ngập./.