Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, Hà Nội xảy ra mưa lớn và kéo dài trong nhiều ngày khiến nhiều tuyến phố rơi vào cảnh ngập sâu. Sáng ngày 9/8, mặc dù trời đã tạnh ráo nhưng tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, nước vẫn chưa rút hết, nhiều hộ gia đình vẫn phải tìm mọi cách để “sống chung” với ngập lụt.

Nỗ lực ngăn nước vào nhà

Tại khu tập thể Trại Nhãn trên đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội), do nền tầng 1 của khu này thấp hơn so với mặt đường Đê La Thành tới hàng mét nên hai ngày nay nhiều hộ gia đình đã phải thay nhau trực nước lụt. Những bao xi măng, những tấm ván được mang ra để be bờ, "đắp đê" ngay trước cửa vào nhà để che chắn, chống chọi với nước. Nhưng những trận mưa lớn và liên tục vẫn khiến nước tràn vào nhà dân. Nhà thấp nước ngập đến 20cm.
9.jpg
Nhân viên công ty Cấp thoát nước Hà Nội với nỗ lực chống ngập úng

Tại hộ gia đình anh Hải, chị Nhung, hai anh chị đang thay nhau dùng gáo nước để tát nước ra đường. Những người hàng xóm xung quanh cũng đang tất bật lau dọn, tát nước trong nhà. Chị Nhung cho biết: “Mặc dù đến sáng nay, nước đã rút gần hết nhưng hôm qua nước tràn vào nhà, cao đến đầu gối. Cả ngày hôm qua tôi không làm được việc gì ngoài be bờ, tát nước, đời sống sinh hoạt cả gia đình bị đảo lộn. Nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng, việc ăn uống, đi lại, sinh hoạt của cả gia đình cũng hết sức khó khăn".

Chị Nhung tâm sự: “Tối qua, thấy mưa vẫn tiếp tục đổ xuống như trút nước, hai vợ chồng tôi không ai dám ngủ, phải túc trực cả đêm “canh” lụt”. Hôm nay, thấy trời tạnh ráo, mọi người mừng ra mặt, chỉ hy vọng mưa đừng kéo dài nữa. Mới mưa lớn 2 ngày mà đã thế này, nhỡ mưa cả tuần thì không biết gia đình sẽ phải đối phó thế nào”.

Trên phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), một trong những tuyến phố ngập nặng nhất thủ đô, các hộ dân ở đây cũng khốn đốn không kém. Tại khu vực trũng nhất, hôm qua nước lên cao đến 80cm. Đi lại, sinh hoạt thường ngày đã khổ, các hộ gia đình kinh doanh còn đau đầu vì thiệt hại về kinh tế.

Cửa hàng quần áo của gia đình ông Nguyễn Hữu Độ trên phố Thái Hà đã ngập nước từ chiều hôm qua, sáng nay nước vẫn còn lênh láng trong cửa hàng tới 10 phân. Ông Độ cho biết: “Lụt lội như thế này, công việc kinh doanh của cửa hàng gặp rất nhiều khó khăn. Gần nửa số quần áo trong cửa hàng bị ướt hết. Quần áo ướt không thể bán như mới được nữa, chỉ còn nước thanh lý”. 
Ông Nguyễn Hữu Độ chia sẻ với PV

Sinh hoạt của gia đình ông Độ cũng rất khó khăn, hai ngày nay không đi đâu được, cả gia đình phải lên gác xép. Mực nước trong nhà,ngoài đường bằng nhau nên gia đình ông cũng không biết tát đi đâu. Hai hôm nay, cả gia đình ông phải ăn mì tôm chống đói vì khu vực bếp ướt hết. Hơn nữa, đi lại ra ngoài mua thực phẩm cũng rất khó khăn.

Anh Vũ Xuân Trường, nhân viên Công ty Điện tử Tin học Quốc Tuấn cho biết: “Mưa lụt thế này không kinh doanh được đã đành, lo nhất là làm sao để bảo quản vật tư của công ty. Toàn đồ điện tử nên bị ướt, hỏng hóc thì thiệt hại không kể đâu cho hết”. Cả ngày hôm qua, công ty phải huy động toàn bộ nhân viên chống lụt. Người chuyển đồ lên cao, người tát nước, người thiết kế hệ thống hút nước ra ngoài…

Đã quen với việc "sống chung với ngập"

Đã 5 năm, nhưng những ám ảnh về trận lụt kinh hoàng ở thủ đô năm 2008 vẫn còn trong tâm trí nhiều người. Cô Thảo (nhà ở Thái Hà) cho biết: “Không bao giờ tôi quên được trận lụt năm 2008. Năm ấy, giữa thủ đô, đã có 20 người thiệt mạng vì ngập lụt. May mắn là dù nằm giữa “trung tâm” ngập lụt nhưng nhà tôi vẫn an toàn. Nhưng từ đó, mỗi khi mùa mưa lũ đến, tôi và cả gia đình hết sức cảnh giác”.

Ngay từ khi nước mưa còn ngập thấp, cô Thảo đã mua bánh mì, mì tôm về trữ sẵn. Hôm qua, nước ngập lên đến nửa người, cả gia đình cô không ai dám đi ra ngoài. “Không may hụt chân vào hố thì khổ”, cô nói. Sau năm 2008, hệ thống đường điện, ổ điện trong nhà cũng được gia đình cô sửa chữa, làm cao lên, để nước ngập cũng không bị vào, tránh cháy nổ, điện giật.

Cô Thảo chia sẻ: “Mình ở khu này thì phải chấp nhận. Năm nào cũng vậy, hễ mưa to một chút là ngập. Ngập nhiều cũng thành quen nên lúc nào cũng chủ động đề phòng, tránh làm thiệt hại vật chất và quan trọng nhất là không để thiệt hại về người”. Tấm chắn nước vào nhà được gia đình cô "trang bị" từ 10 năm nay, hầu như năm nào cũng được mang ra sử dụng. Chồng cô Thảo, ông Nguyễn Tá Duyên cười đùa nói: “Sống ở đây, không đắp đập, be bờ không phải Thái Hà”.

Ông Bùi Văn Hưng

Ông Bùi Văn Hưng, nhân viên Công ty Cấp thoát nước Hà Nội cho biết lý do đường Thái Hà là nơi thường xuyên xảy ra ngập lụt mỗi khi mưa lớn là do đoạn đường này quá trũng: “Hôm qua ở khu vực này nước rất to, ngập khoảng 50 – 80cm, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống thoát nước ở đường này là cống phi 600 thoát nước ra mương. Tuy vậy nhưng nước to, mực nước trong mương bằng với mực nước ngoài mặt đường nên nước không thoát đi đâu được”.

Ông Hưng cho biết thêm, do nỗ lực làm việc của các nhân viên công ty, hôm nay, nước đã rút một lượng đáng kể. Giữa sống đường, mực nước chỉ còn khoảng 10cm. Về khả năng thoát nước cho đoạn đường này, ông Hưng cho biết nếu trời không mưa, khoảng 15h chiều nay, nước trên đoạn đường Thái Hà sẽ rút hết. Nhưng nếu tiếp tục mưa lớn thì không biết đến bao giờ đoạn đường này mới thôi ngập nước./.Một số hình ảnh PV ghi nhận về tình trạng ngập úng sáng 9/8:

Tại phố Thái Hà, nước vẫn còn ngập sâu, khiến người dân đi lại rất khó khăn

Nước vẫn còn lênh láng
Người dân phải bơm nước từ trong nhà ra ngoài đường
Đồ dùng trong nhà phải kê hết lên ghế
Cửa hàng quần áo của ông Nguyễn Hữu Độ, nước vẫn lênh láng trên sàn
Để di chuyển, con trai ông Độ phải đứng lên ghế
Người dân tát nước ra khỏi nhà