Theo Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong tháng 1 vừa qua, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 12/2017 đến nay đã có 830 trường hợp mắc cúm đến khám, gần 390 người phải nhập viện. Tại Bệnh viện Đống Đa, từ đầu năm đến nay trung bình mỗi ngày có 10 bệnh nhân mắc cúm đến khám. Nhiều trường hợp biến chứng viêm phế quản, phổi, hoặc có bệnh nềm tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính và trẻ nhỏ được chỉ định điều trị nội trú.
Do bệnh nhân cúm gia tăng đã có tình trạng khan hiếm thuốc trị bệnh ngoài thị trường. Thậm chí, có bệnh nhân phải mua 500.000 đồng một viên, thậm chí là 5 triệu một vỉ thuốc. Trong khi đó, thuốc tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao.
Hiện Bệnh viện Đống Đa còn 300 viên thuốc. Còn tại Bệnh viện Saint Paul cách đây một tuần không còn thuốc nhưng nay đã có 200 viên. Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khẳng định không sợ thiếu thuốc tamiflu. Bệnh viện hiện còn hơn 6.000 viên.
Kho dự trữ thuốc tamiflu có 35.000 viên, đã cho một số cơ sở y tế vay. Bệnh viện Bạch Mai đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.200 viên thuốc tamiflu để dùng trong những trường hợp cần thiết.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi tamiflu, tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này; các bệnh viện cũng cần giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn tamiflu.
Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị các bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai, Đống Đa, Thanh Nhàn, Nam Thăng Long... có kế hoạch thường trực cấp cứu, đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, chuẩn bị đủ vật tư, giảm thấp nhất biến chứng đặc biệt tử vong; đảm bảo không lây chéo. Đồng thời rà soát lại số thuốc tamiflu các bệnh viện hiện còn./.
Rét đậm, rét hại khiến trẻ em bị bệnh cúm gia tăng