Ổ dịch cúm gia cầm AH5N1 được phát hiện trên đàn gia cầm của anh Lại Văn Ngọc ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ngày mùng 3 tháng 7.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm AH5N1, lực lượng thú y của tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia cầm, với số lượng hơn 1.0000 con tại hộ gia đình này.

Hiện chính quyền địa phương đã lập 2 chốt kiểm dịch tại vùng dịch để ngăn chặn, kiểm soát không cho vận chuyển gia cầm vào ra vùng phát sinh ổ dịch tránh virus cúm lây lan trên diện rộng.

images1035743cumgiacamcamau_hjgr.jpg
Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Sáng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chăn nuôi tỉnh Hà Nam cho biết, đã cấp cho xã Liêm Thuận 100 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, và tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm của các hộ trên địa bàn.

Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức tiêm phòng bao vây, thành lập chốt kiểm dịch. Nhìn chung đàn gia cầm mắc cúm được nuôi thả rông ngoài kênh, mương, cánh đồng nên việc phát hiện và xử lý không gặp khó khăn. Đến hôm nay, theo các trạm báo về dịch vẫn được khống chế, không phát sinh thêm ổ dịch mới..

Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như: cúm A H7N9, H5N2, H5N8 có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời./.