Trong buổi họp báo sáng 11/4 tại Hà Nội, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã thông tin về một số nội dung được dư luận quan tâm như việc bổ nhiệm cán bộ, tài sản của một số cán bộ, quan điểm của Thanh tra Chính phủ về dự án mở rộng đường Trường Chinh...

hop-bao-thanh-tra.jpg
Buổi họp báo của Thanh tra Chính phủ

Tại buổi họp báo, bên cạnh những kết quả công tác thanh tra trong quý 1, nhiều vấn đề dư luận và báo chí quan tâm được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trả lời thẳng thắn.

Liên quan đến việc kê khai tài sản của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, trong đó có tài sản của Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khanh và ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ 1, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc kê khai tài sản là minh bạch, theo đúng quy định. Cán bộ có nhiều tài sản là vấn đề không khó khi giải thích, bởi tài sản kê khai không chỉ của riêng người kê khai mà còn có cả tài sản được làm ra, được sở hữu của các thành viên khác trong gia đình.

Về vấn đề bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp vụ, cấp phòng trong thời điểm năm 2011 tại cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng cho biết: 8 tháng đầu năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã bổ nhiệm 23 đồng chí hàm cấp vụ. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này là quá số lượng, chưa thực sự chính xác và đã được Thanh tra Chính phủ khắc phục.

Ông Trần Đức Lượng nói: “Chúng tôi nhận thức rằng so với quy định của Chính phủ là quá số lượng, một vài trường hợp chưa đảm bảo thời gian công tác, chứng chỉ lý luận chính trị chưa có, có trường hợp sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm đã vi phạm pháp luật... Trong việc này, chúng tôi nhận thấy mình có khuyết điểm”.

Về dự án mở rộng đường Trường Chinh, Hà Nội có đoạn đường bị nắn cong, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Đến thời điểm này, Thanh tra Chính phủ mới chỉ nhận được đơn thư dưới dạng khiếu nại liên quan đến đền bù, còn khiếu nại liên quan đến đường bị nắn cong thì Thanh tra Chính phủ chưa tiếp nhận đơn thư chính thức. Thành phố Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý và xử lý theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Theo Thanh tra Chính phủ, quý II/2014, sẽ thanh tra việc thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ tại Bộ Giáo dục - Đào tạo và một số đơn vị trực thuộc; Thanh tra việc thực hiện Quyết định 930 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Y tế; Tổng Công ty Lương thực miền Nam; thanh tra quản lý đầu tư và quản lý sử dụng đất đai tại tỉnh Nghệ An; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực tại Bộ Công Thương; các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa. Đặc biệt, ngành thanh tra tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp nhà nước nhằm thực hiện việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của những doanh nghiệp này.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết: “Hiện nay, yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng như phục vụ cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, có nhiều lý do, nhưng nguyên tắc chung là phục vụ cho Chính phủ, cũng như các cấp, ngành trong công tác quản lý. Chúng tôi đưa danh mục cụ thể vào thanh tra, ví dụ như danh mục bảo hiểm tiền gửi... hướng đến mục tiêu đánh giá chế định nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức”.

Trong quý II, ngành thanh tra cũng triển khai thanh tra đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và dư luận quan tâm như: công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước; công tác quản lý tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu; công tác đảm bảo an toàn đối với hệ thống tín dụng và quyền lợi của người dân; công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng…/.