Mới đây, Hiệp hội taxi 3 miền (Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM) đã có văn bản kiến nghị về quy định màu biển số cho các phương tiện kinh doanh vận tải và cụ thể là chuyển tất cả các xe đang chạy kinh doanh vận tải sang màu vàng để dễ quản lý.
Lý giải về kiến nghị của mình, đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, hiện các loại hình kinh doanh vận tải chưa có nhận diện rõ ràng nên CSGT và các lực lượng chức năng khó phát hiện để xử lý khi các xe này vi phạm.
Để thuận lợi cho công tác quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, hiệp hội taxi 3 miền đề nghị "đối với tất cả phương tiện kinh doanh vận tải quy định nền biển số là màu vàng, chữ và số màu đen", còn các xe của nhà nước thì biển màu xanh, xe quân đội biển đỏ, như vậy sẽ quản lý dễ dàng, tạo sự công bằng thực sự cho mọi loại xe.
"Việc kiến nghị đổi biển số phương tiện kinh doanh vận tải sang màu vàng "không chỉ tập trung riêng vào Grab hay "taxi công nghệ". Đây là vấn đề quản lý chung. Bởi lẽ, xã hội ngày một phát triển, các loại hình dịch vụ và kinh doanh vận tải cũng liên tục phát sinh trong khi hạ tầng giao thông không tăng”, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói.
Theo ông Hùng, khi chuyển sang biển số màu khác, đơn vị quản lý xe kinh doanh, các cơ quan chức năng sẽ nhận biết được ngay.
Biển số màu vàng đi trên phố sẽ rất nhận biết. Ảnh minh họa. |
“Việc đổi màu biển số nhằm phân định phương tiện cho phù hợp với hạ tầng, phân loại xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải. Ngay tại Lào, việc quy định màu riêng cho biển số của phương tiện kinh doanh vận tải cũng đang được áp dụng. Mục tiêu của chúng ta là quản lý, nhận dạng phương tiện rõ ràng, minh bạch”, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội phân tích.
Cho rằng vấn đề chi phí đổi biển số sẽ chiếm phần lớn đối với xe dưới 9 chỗ. Nhưng hiện công nghệ phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể giữ nguyên biển số, sử dụng chất liệu phản quang hoặc dán để đổi màu.
“Chi phí cho việc thay đổi màu biển số sẽ không tốn nhiều tiền và cũng rất đơn giản", đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội nói.
Trước kiến nghị trên, anh Phan Nam Hùng (Mỗ Lao, Hà Đông) hiện đang chạy taxi Grab cho biết, anh cũng mới nghe hiệp hội taxi kiến nghị Bộ Công an cho những xe đang chạy kinh doanh vận tải chuyển hết sang biển kiểm soát màu vàng để thuận tiện quản lý và dễ nhận biết, anh thấy cũng hợp lý và ủng hộ đề xuất này.
“Theo tôi, biển vàng biển trắng không quan trọng, quan trọng là nếu thủ tục khi mình không kinh doanh thì chuyển sang biển trắng có phức tạp không thôi. Theo tôi khi chuyển sang biển vàng thì còn tiện hơn vì người dân nhìn biển số sẽ biết là xe kinh doanh, dễ bắt khách khi đỗ gần bệnh viện, hiện tại chỉ chạy khách trong áp, khi chuyển biển vàng có khi lại lợi thế hơn”, anh Phan Nam Hùng nói.
Còn anh Lý Đức Huy (quận Tây Hồ, Hà Nội) thì ngược lại, anh cho biết, hiện đang kinh doanh vận tải là Grab, tuy nhiên nếu xe của anh bắt buộc phải chuyển biển kiểm soát sang màu vàng anh sẽ từ bỏ kinh doanh vận tải.
“Nếu chuyển biển vàng thì xe tư nhân của chúng tôi là không thích rồi vì có những xe chỉ là đi làm thêm thôi người ta không muốn xe tư nhân lại phân biệt biển xanh biển vàng”, anh Huy nói.
Còn theo một số chuyên gia, kiến nghị này của các hiệp hội taxi là có cơ sở và hợp lý bởi nếu xe cá nhân mà đem vào kinh doanh bắt buộc phải yêu cầu kĩ thuật khắt khe hơn, thời gian kiểm định ngắn đi, chất lượng xe phải được kiểm soát thường xuyên hơn hơn, người lái phải chuyên nghiệp hơn so với xe cá nhân hay xe gia đình.
“Xe, người lái phải có tiêu chuẩn cao hơn để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trước đây không rõ nó đã tạo sự không bình đẳng, đấy là một trong những vấn đề gây bức xúc của Grab, Uber, kinh tế chia sẻ chúng ta vẫn phải đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn luôn phải đảm bảo, như vậy sự không rõ ràng như Grab lúc sử dụng cho cá nhân, lúc cho kinh doanh vậy chúng ta phải làm rõ, bắt buộc phải có điều kiện nhất định”, TS Nguyễn Hữu Đức Chuyên gia giao thông phân tích.
Cũng theo kiến nghị của các chuyên gia, nếu chuyển biển kiểm soát màu trắng sang vàng đối với xe kinh doanh vận tải thì bắt buộc chuyển tất cả các loại xe từ 4 chỗ đến 45 chỗ chứ không riêng gì loại hình dưới 9 chỗ, như vậy vừa dễ phân biệt, dễ quản lý và công bằng trong kinh doanh vận tải./.
Không còn bị Uber cạnh tranh, Grab sẽ độc quyền taxi công nghệ?
Vỡ mộng làm giàu từ taxi công nghệ
TP.HCM: Nghi án cô gái bị tài xế taxi công nghệ cướp tài sản
Làm gì để hài hoà lợi ích giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ?