Như đã phản ánh, hơn nửa tháng nay, người dân KĐT Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) vẫn trong tình trạng không có nước sinh hoạt. Nhiều ngày nay, hơn 10.000 người dân tại đây vẫn phải mua nước lọc đóng bình về tắm giặt.

Anh Hồ Sỹ Thắng, cư dân KĐT Tân Tây Đô cho biết, người dân đã nhiều lần phản ánh việc này với chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhưng đến nay mới có 2 tòa CT1 A-B được cấp nước trở lại, 4 tòa còn lại vẫn trong tình trạng cạn khô không một giọt nước.

vov_nuoc_3_kmic.jpg
Người dân xếp hàng xách từng xô nước về dùng như thời bao cấp. 

“Tình trạng này diễn ra hơn nửa tháng, chúng tôi đã phản ánh khắp nơi nhưng vẫn chưa có nước. Gia đình nào cũng có người già, con nhỏ, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều ngày phải đi tắm giặt nhờ, thậm chí cả nhà đưa nhau ra nhà nghỉ, xếp hàng tắm xong rồi lại về. Riêng gia đình tôi có 4 người mỗi ngày dùng tiết kiệm chỉ ăn uống và rửa cũng mất ít nhất 2 bình nước. Sự cố kéo dài khiến cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống trục rác của tòa nhà không có nước thau rửa, bốc mùi hôi thối kéo dài nhiều ngày nay tiềm ẩn những nguy cơ về dịch bệnh. Chúng tôi rất mong muốn UBND TP sớm chỉ đạo quyết liệt để giúp người dân KĐT”, anh Thắng cho biết.

Anh Hồ Sỹ Thắng cho rằng, việc công ty đột ngột cắt nước xuất phát từ việc Chủ đầu tư Tuấn Quỳnh KĐT Tân Tây Đô dù đã kết thúc thời hạn 3 tháng thử nghiệm sử dụng đường ống nước sông Đà từ cuối năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đánh giá bàn giao hạ tầng cho công ty cấp nước Tây Hà Nội tiếp quản để ký trực tiếp với dân. Do đó, từ nhiều tháng nay việc cấp nước được Chủ đầu tư Tuấn Quỳnh ủy quyền cho công ty HT Group mà không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào với cư dân.

"Trong thời gian chạy thử nghiệm, người dân vẫn đóng đầy đủ tiền nước. Sở dĩ nhiều hộ dân ngừng đóng chỉ vì mong muốn được ký hợp đồng trực tiếp, có hóa đơn thu chi rõ ràng với công ty cấp nước Tây Hà Nội. Nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được ban quản lý KĐT xử lý, nên người dân bị mắc kẹt ở giữa”, anh Thắng cho biết.

“Mới đây, ngày 4/11, cư dân đã có cuộc họp với lãnh đạo huyện Đan Phượng, chủ đầu tư và công ty cấp nước, họ đã hứa sẽ cấp nước trở lại vào ngày 5/11, nhưng đến nay vẫn chưa có”, anh Thắng nói thêm.

Trao đổi với VOV.VN chiều (7/11), ông Phạm Văn Khôi, Trưởng phòng Quản lý Trật tự Đô thị huyện Đan Phượng xác nhận việc hiện nay một số tòa nhà tại KĐT vẫn chưa có nước.

“Hiện các tòa CT1 A-B đã có nước từ hôm qua, nhưng các tòa còn lại vẫn chưa có. Những ngày qua huyện vẫn phải trực tiếp đi mua nước, chở từng xe téc đến cho người dân. Huyện đang tiếp tục triệu tập đại diện cư dân, chủ đầu tư và công ty cấp nước họp để giải quyết dứt điểm và cấp nước lại cho người dân”, ông Khôi cho biết.

Chủ đầu tư nói gì?

Ông Huỳnh Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tuấn Quỳnh, chủ đầu tư KĐT Tân Tây Đô cho biết, việc mất nước từ cuối tháng 10 do lượng nước cư dân tiêu thụ quá lớn, nguồn cấp nước của công ty nước Tây Hà Nội không đủ cho cư dân, nên xảy ra mất nước cục bộ. Những ngày gần đây, nguyên nhân mất nước do cư dân các tòa nhà không nộp tiền nước. Khi phóng viên hỏi về nguyên nhân tại sao cư dân không đóng tiền nước, ông Huỳnh Tuấn Hùng nói rằng do: “sự xúi bẩy của ban quản trị các tòa nhà”.

Lý giải về việc Công ty Tuấn Quỳnh ủy quyền cho HT group đứng ra bán nước cho người dân, ông Hùng cho biết Công ty cấp nước Tây Hà Nội không ký trực tiếp với các hộ dân mà chỉ giao cấp đến đồng hồ tổng. Việc phân phối nước vào trong KĐT do chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị thứ 3 cấp.

“Chúng tôi đã phải thuyết phục, thậm chí bỏ tiền cho họ thì Tây Hà Nội mới đồng ý cấp. Chúng tôi cũng muốn nhưng do Tây Hà Nội không nhận”, ông Hùng nói.

PV nêu câu hỏi về việc, người dân phản ánh do cơ sở hạ tầng của KĐT Tân Tây Đô không đảm bảo nên phía công ty cấp nước Tây Hà Nội mới không đồng ý cấp nước vào tận KĐT? Tại sao sau hơn 1 năm, công ty Tuấn Quỳnh vẫn chưa thể khắc phục hạn chế về hạ tầng để ký hợp đồng cấp nước? Ông Hùng phân trần: “Cơ sở hạ tầng của chúng tôi đã được xây dựng cách đây 10 năm, trong khi đó tiêu chuẩn của Tây Hà Nội lại rất cao. Chúng tôi cần có thời gian để cấp nước ổn định cho cư dân, vừa cần nâng cấp hệ thống đường ống đáp ứng tiêu chuẩn, lại phải xin thành phố cho cấp chi tiết, nên không thể thực hiện trong 1 hay 2 ngày được”.

Được biết, đây không phải lần đầu, cư dân KĐT Tân Tây Đô gặp những vướng mắc về nước sinh hoạt. Ngay khi nhận bàn giao nhà, đến trước tháng 9/2018, hơn 10.000 cư dân tại đây vẫn phải sử dụng nước nhiễm asen cao vượt quy chuẩn của Bộ Y tế. Sau nhiều năm kêu cứu, người dân ở đây mới được dùng nước sạch Sông Đà.

Một số cư dân cho biết, KĐT Tân Tây Đô có chủ đầu tư cấp 1 là Công ty Tuấn Quỳnh. Sau đó, nhà đầu tư thứ cấp lại là Hải Phát Group. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư ở đây. Chính vì KĐT có “năm cha bảy mẹ” nên mỗi khi xảy ra sự cố, người dân lại “rối như canh hẹ”./.