Gần một tháng qua, khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi bị viêm não và viêm màng não. Những bệnh nhi này chủ yếu dưới 11 tuổi, ở Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Quảng Ninh... với các triệu chứng thường gặp là sốt cao trên 39 độ C, nôn, nằm li bì, co giật và có thể kèm theo tiêu chảy. 

Số ca viêm não, viêm màng não tại Bệnh viện Bạch Mai đang có chiều hướng tăng khi gần đây, có đêm, Khoa Nhi tiếp nhận 11 bệnh nhân thì có đến 4 ca viêm não, viêm màng não. Tình trạng này cũng xảy ra tại một số bệnh viện ở Hà Nội.

tiem-vaccine-1_gjwu.jpg 

 Biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine 

Bác sĩ Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện miền Bắc đã bước vào mùa viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong cao, khoảng 20%- 30%:

"Trước đây khi chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng thì cứ đến tháng 5, tháng 6 là mùa của viêm não Nhật Bản. Dịch bệnh này hoàn hành từ tháng 5 đến tháng 8. Từ ngày có vaccine thì nhiều bệnh, trong đó có viêm não Nhật Bản đã giảm. Rút kinh nghiệm từ dịch sởi vừa qua, mọi người hãy tiêm chủng và cùng nhau chống dịch”, bác sĩ Bùi Vũ Huy cho biết thêm.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh viêm não, bắt đầu từ năm nay, lần đầu tiên Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia quyết định tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho toàn bộ  trẻ từ 1 đến 2 tuổi tại tất cả các xã, phường trong cả nước (theo lịch tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế). Trẻ sẽ được tiêm phòng 3 mũi: Mũi 1 lúc 1 tuổi trở lên; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm./.