Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của bão số 8 ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở Cửa Ông và Bãi Cháy có gió giật cấp 7. Thái Bình cấp 5, giật cấp 7; Văn Lý (Nam Định) có gió giật cấp 7. Ở đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ở Quỳnh Lưu có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7. Kỳ Anh (Hà Tĩnh ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 162mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 135mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 145mm; Tà Lương (Thừa Thiên-Huế) 198mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 136mm …
Hồi 10h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Định – Nghệ An khoảng 120 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/h), giật cấp 14, cấp 15.
Ven biển Nghệ An mưa lớn, sóng đánh cao do ảnh hưởng bão (ảnh: VNE) |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 22h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/h), giật cấp 11, cấp 12.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Đến 10h ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/h).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.
Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa nước biển dâng cao từ 3 – 4m
*Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tỉnh còn 8 tàu, thuyền với 47 lao động vẫn đang trên đường vào tránh bão ở các vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh và đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).
Đến 9h ngày 28/10, 8 tàu thuyền với 47 lao động, trong đó, huyện Bảo Lộc có 2 chiếc, Hoằng Hóa 3 chiếc, Tĩnh Gia 3 chiếc, vẫn giữ liên lạc với gia đình và địa phương. Hiện nay số tàu thuyền này đã vào tránh trú được ở các bến của tỉnh bạn. Số tàu thuyền còn lại của tỉnh hiện nay đã về tránh trú an toàn tại các bến trong tỉnh.
Tại các địa phương ven biển phía Bắc và Bắc Trung bộ đã hoàn thành việc di chuyển dân ở các vùng trũng thấp, khu vực nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Công tác kiểm soát tàu thuyền cũng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm giảm nhẹ thiệt hại khi bão số 8 đổ bộ vào đất liền.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương sáng nay (28/10), ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Trưa nay, bão số 8 còn cách bờ trên 100 km nhưng đã gây gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi như ở các đảo gần bờ (Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư, Cồn Cỏ) và vùng ven biển, gió giật tới cấp 9.
Trên đường đi, bão trút lượng mưa phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ 100 đến 200 mm. Diễn biến bất ngờ nhất là chiều tối 27/10 bão mạnh lên rất nhanh. Trong buổi chiều, bão mạnh lên 2 cấp, đến tối mạnh tới cuối cấp 14. Đây là diễn biến mà tất cả các đài dự báo không lường được. Với cấp bão này, nếu suy yếu thì khi cập bờ, bão số 8 vẫn còn mạnh tới cấp 11, cấp 12.
Chủ động đối phó với bão số 8, sáng 28/10, các địa phương ven biển phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục có lệnh cấm biển, không cho các tàu thuyền ra khơi. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6h30’ ngày 28/10, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với chính quyền địa phương, thông báo hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho gần 57.000 tàu và gần 1.800 lồng, bè, chòi canh phòng tránh bão.
Đối phó với bão số 8, tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tại Ninh Bình, sau khi hoàn tất việc di dời dân đến nơi an toàn, Bộ đội biên phòng tỉnh huy động toàn bộ lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực di dời dân; đồng thời sẵn sàng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Sáng nay (28/10) xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã huy động toàn dân tới các hồ chứa nước như: Khe Làng, Bàu Cơm, Khe Quang, Khe Dứa, Khe Thị, Đập Cam, gia cố đê điều để chống bão.
Tại miền Trung, Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão các tỉnh miền Trung vẫn sẵn sàng ứng phó với diễn biến của mưa bão.
2 ngày nay, trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế có mưa vừa đến mưa to, mực nước các sông đang ở mức báo động 1. Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Quảng Bình tiếp tục duy trì lệnh cấm ra khơi. Theo đó, các Đồn Biên phòng tuyến biển tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền tại các Cửa sông, Cửa biển.
Do ảnh hưởng của bão số 8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa vừa. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão từ tỉnh đến xã, phường duy trì chế độ trực ứng phó khi có sự cố xảy ra./.