Theo dự báo, khoảng vài giờ nữa, bão số 8 sẽ vào tỉnh Nghệ An. Bắt đầu từ đêm 27/10 đến sáng 28/10 tại tỉnh Nghệ An, đã xuất hiện mưa rào từng đợt, kèm theo gió mạnh và trời nhiều mây.

Vùng đất liền, gió mạnh cấp 4, cấp 5. Tại các vùng ven biển thuộc các huyện: Nghi Lộc, Cửa Lò, Diễn Châu và Quỳnh Lưu gió giật mạnh cấp 6 cấp 7. Riêng tại đảo Hòn Ngư gió giật mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 và lượng mưa phổ biến là 100 mm.

Tính đến chiều tối 27/10, tất cả tàu thuyền của ngư dân trên địa tỉnh Nghệ An đã về nơi neo đậu an toàn. Tại các vùng ven biển chính quyền địa phương đã có phương án sơ tán dân từ các vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay các công tác sơ tán dân ven biển, thực hiện theo kịch bản nước biển dâng 3m thì các huyện nhu Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Cửa Lò… phải di dời khoảng 15.000 dân. Đến 1h sáng nay, lực lượng chức năng đã di dời được trên 14.600 người. Số dân ở Quỳnh Lưu và Thị xã Cửa Lò là gần 10.000 người”.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu cũng cho biết: UBND tỉnh Nghệ An, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các Sở bám sát hiện trường, tranh thủ thu hoạch lúa mùa và rau màu vụ Đông. Đồng thời, Sở chỉ đạo các cơ sở để bà con chằng chống nhà cửa, trường học để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra; chỉ đạo các công ty, thủy lợi, trực tiếp khơi thông trục tiêu dòng chảy và bảo vệ an toàn đê điều hồ đập. Tỉnh cũng liên tục cập nhập các số liệu đường đi bão số 8, để kịp thời hướng dẫn cho bà con kịp thời phòng tránh theo phương án đã vạch ra; chỉ đạo các lực lượng bộ đội, công an trực tiếp xuống các cơ sở hướng dẫn người dân phòng tránh bão số 8 xảy ra.

Theo thông tin mới nhất thì đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An vẫn chưa tìm thấy ngư dân Hoàng Văn Đông, sinh năm 1966 ở xóm 9 xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Ngư dân này do sơ suất đã bị rơi xuống biển khi đang cùng các thuyền viên đưa thuyền đánh cá vào bờ để tránh bão.

Quảng Bình sẵn sàng di dời 10.000 dân đến nơi an toàn
Tại Quảng Bình, ngay trong đêm, các Đồn Biên phòng Cửa Gianh, Nhật Lệ, Roòn... huy động lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn. UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo chính quyền ở 90 xã vùng ven sông, ven biển, khu vực xung yếu... sẵn sàng phương án di dời 10.000 nhân khẩu đến nơi an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ vào đất liền vào sáng 28/10.

Đại úy Đặng Anh Trung, Đồn phó quân sự Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: “Đồn Biên phòng Nhật Lệ tổ chức phòng cơn bão số 8 đến từng cán bộ chiến sĩ. Đồng thời triển khai lực lượng cùng địa phương và nhân dân sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu tránh trú bão an toàn. Và chúng tôi trực quân số, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có lệnh điều động”.

Hiện, mực nước tại hồ chứa các thủy điện Bình Điền, A Lưới, Tả Trạch… ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn ở mức an toàn. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu ban quản lý các thủy điện, hồ chứa thủy lợi ứng trực theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng xử lý sự cố. Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết lực lượng ứng trực của tỉnh và địa phương đã chủ động các phương án: “Tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo BCH PCLB các địa phương quản lý chặt chẽ tất cả các hồ đập ở địa phương mình quản lý. Bên cạnh đó, lập lực lượng túc trực theo dõi mực nước dâng của các hồ đập; các phương án ứng cứu dân ở vùng trũng, vùng sạt lở thì lực lượng túc trực của tỉnh nói chung và lực lượng của các địa phương sẵn sàng ứng phó với sự cố có thể xảy ra sau cơn bão này”.

Thanh Hóa sơ tán gần 120.000 dân

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 28/10, bão số 8 sẽ đổ bộ vào Thanh Hóa. Trước tình hình này, ngay trong đêm 27/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã họp khẩn chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó báo số 8.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm cấm tầu thuyền ra khơi, kêu gọi các tầu nhanh chóng về nơi neo đậu an toàn. Tới nay, toàn bộ số tàu bè hoạt động trên khu vực biển Thanh Hóa đã vào tránh trú bão an toàn. Người lao động trên tầu và các lồng bè nuôi trồng thủy sản được đưa vào đất liền.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã lên phương án di dời dân tại các khu vực nguy hiểm thuộc 6 huyện, thị xã ven biển bao gồm: huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn và Thị xã Sầm Sơn. Tổng số dân di dời gần 120.000 người.

Để hỗ trợ và đảm bảo an toàn trong quá trình di dời dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu sự tham gia của các lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ. Sẵn sàng chuẩn bị mọi trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho bà con trong trường hợp phải di dời. Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: “Toàn bộ tuyến ven biển của Thanh Hóa đều là tuyến xung yếu từ Nga Sơn tới Tĩnh Gia, 102 km bờ biển với 5 cửa sông lớn. Vì vậy, chúng tôi coi tất cả các huyện ven biển đều đặt nhiệm vụ như nhau tập trung vào xử lý, quan tâm đến những vùng đông dân ví dụ như Hậu Lộc, một số cửa sông lớn khi bão vào có nguy cơ ngập úng cao và một số tuyến đê chưa được hoàn thiện cao độ nên có khả năng nước tràn vào chúng tôi tập trung như: Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoàng Hóa và Nga Sơn”.

Đối với 117 hồ đập nhỏ do địa phương quản lý không đảm bảo an toàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo không tích nước thêm tại. Tại các huyện miền núi phía tây, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện chủ động kiểm tra và triển khai ngay các phương pháp phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa đã đưa 50 tấn gạo lên các huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Thường Xuân để dự trữ ở những vị trí xung yếu có khả năng bị cô lập trong mưa lũ./.