Như VOV đã đưa tin, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TPHCM tiêu huỷ gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do chậm trễ trong thủ tục xác nhận.

Hôm nay (4/5), nhiều chuyên gia y tế tại Hà Nội cho rằng, thủ tục hành chính trong việc cấp phép sử dụng thuốc hiện nay mất quá nhiều thời gian.

thuoc_nbrp.jpg
 
Số thuốc hết hạn phải tiêu hủy là thuốc Tasgina, đặc trị ung thư bạch cầu mãn dòng tuỷ (một dạng ung thư máu). Tháng 7/2013, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TPHCM được nhà sản xuất đề xuất tặng loại thuốc này. Tuy nhiên, đến tháng 5/2015, thuốc bị hết hạn sử dụng và phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc tồn kho.

Nguyên nhân được Bệnh viện đưa ra là do chậm trễ trong thủ tục xác nhận thuốc viện trợ. Cụ thể là thời gian được cấp phép sử dụng lên tới hơn 1 năm, có loại giấy tờ mất đến gần 3 tháng. Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, từ vụ việc này cho thấy cần cải cách thủ tục hành chính nói chung và cấp phép sử dụng thuốc nói riêng.

“Do thủ tục quá chậm trễ, phải mất 13 tháng, thuốc mới vào đến bệnh viện nên hạn sử dụng còn 10 tháng, nên bệnh viện không dùng hết. Vì vậy, phải cải cách thủ tục hành chính…”, GS Nguyễn Bá Đức nói.

Tuy nhiên, những loại thuốc mới như Tasgina, thủ tục mới phức tạp hơn và kéo dài hơn một năm, còn thông thường chỉ mất khoảng 3 tháng. Nếu Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TPHCM làm thủ tục xin phép sử dụng thuốc viện trợ trước khi thuốc về thì sẽ tránh được tình trạng thuốc hết hạn sử dụng.

Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, thuốc Tasgina 200mg là thuốc thế hệ thứ hai và được viện trợ, nhưng người bệnh vẫn phải trả một khoản tiền khá lớn nên không phải bệnh nhân ung thư bạch cầu mãn dòng tuỷ nào cũng được chỉ định dùng.

 “Thuốc Tasigna là thế hệ thứ 2 của thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh ung thư máu, chỉ dùng cho bệnh nhân điều trị thuốc hàng thứ nhất bị thất bại. Về phía đơn vị viện trợ muốn bệnh nhân phải đóng góp, một năm họ viện trợ 11,5 tháng, còn bệnh nhân đóng tiền nửa tháng là 42 triệu đồng (theo như Bệnh viện Huyết học Truyền máu TPHCM cho biết) nên không phải bệnh nhân nào cũng có khả năng chi trả. Có nhiều yếu tố khách quan của việc không dùng hết số thuốc viện trợ” – TS Bạch Quốc Khánh giải thích thêm.

Nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, vụ việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư máu tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TPHCM không ảnh hưởng đến việc viện trợ thuốc tại Việt Nam. Giá trị của số thuốc bị tiêu hủy theo Bệnh viện là gần 4 tỷ đồng chứ không phải 14 tỷ đồng như xác định ban đầu./.