Theo công bố kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, một số bệnh viện đã tiêu hủy một lượng thuốc viện trợ. Đáng buồn là Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh phải tiêu hủy gần 20 ngàn viên thuốc đặc trị chữa bệnh ung thư Tasigna do vướng mắc thủ tục nhận thuốc dẫn đến hết hạn sử dụng.

Đây là số thuốc trong tổng cộng hơn 34.600 viên thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna co pay – chương trình thuốc dành cho 50 bệnh nhân mắc bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy.

vov_thuoc1_ulev.jpg

Bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số thuốc viện trợ phải tiêu hủy tính theo đơn giá vào thời điểm tiếp nhận năm 2015 là gần 3,9 tỷ đồng, không phải gần 14 tỷ đồng vào thời điểm thanh tra như một số thông tin đã đưa ra.

Bác sĩ Dũng cho biết thuốc được viện trợ dành cho những bệnh nhân đã bị kháng thuốc Glivec - thế hệ thuốc thứ 1 đặc trị  bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy và bắt buộc phải chuyển qua sử dụng thuốc Tasigna nếu không sẽ tử vong. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục nhập lô thuốc này về Việt Nam, các thủ tục cấp phép phức tạp, kéo dài mất 1 năm mới nhập được thuốc về.

Cụ thể, tháng 7/2013, Bệnh viện nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất. Đến ngày 26/11/2013 bệnh viện mới nhận được bộ chứng từ để đi làm thủ tục xin phép các cấp bao gồm Sở Y tế, Liên hiệp Hữu nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố, Cục Quản lý Dược, Sở Tài chính thành phố.

Đến ngày 21/7/2014, sau 1 năm thì Sở Tài chính có công văn cho công ty tài trợ chuyển hàng về Việt Nam. Khi đó, thuốc chỉ còn hạn sử dụng chưa đầy 10 tháng. Ngày 27/4/2014, thuốc về tới cảng Tân Sơn Nhất, nhưng Chi cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý cho bệnh viện nhận thuốc với lý do hạn sử dụng của thuốc dưới 12 tháng. Sau nhiều lần kiến nghị lên Sở Y tế, Bộ Y tế và Cục Hải quan, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện mới được nhận thuốc. 

 

Một nguyên nhân khác nữa là theo quy định của chương trình, bệnh nhân phải đồng chi trả 4%, tương đương phải đóng 42 triệu đồng mỗi năm. Cuối cùng  chỉ còn 26 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình. Bệnh viện đã chủ động đề nghị với công ty viện trợ mở rộng chương trình sang cho các bệnh nhân ở bệnh viện khác hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân để tận dụng hết số thuốc nhưng công ty không đồng ý mà chấp nhận việc tiêu hủy.

Bác sĩ Dũng cho biết do “Là lần đầu tiên thực hiện, nên vẫn có những việc không ước tính được. Chính nhờ chương trình này mà ngày 1/1/2015, công ty này và Bộ Y tế đã ngồi lại làm việc, công ty này thấy được khó khăn nên mở ra một chương trình mới đồng chi trả với bảo hiểm y tế gọi là chương trình VPAP 2”.

Cục Quản lý Dược cũng có công văn yêu cầu Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh làm rõ vụ việc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu thành phố phải tiêu huỷ thuốc do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Cục yêu cầu Sở Y tế Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát và báo cáo sự việc bằng văn bản về Bộ Y tế trước ngày 7/5.

Theo kết luận của thanh tra thành phố, bên cạnh Bệnh viện Truyền máu Huyết học còn có Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar, được viện trợ để điều trị ưng thư gan và thận với tổng trị giá hơn 250 triệu đồng do hết hạn sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nguyên trưởng khoa Dược, Bệnh viện Ung bướu cho biết trước đó, thuốc Nexavar nằm trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế. Nhưng theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015 thì quỹ Bảo hiểm y tế giảm chi trả 28 loại thuốc đặc trị, bệnh nhân sử dụng thuốc Nexavar phải thanh toán 50% chi phí. Trước đây khi được thanh toán 100% chi phí, mức độ sử dụng của bệnh nhân lớn nhưng từ sau khi áp dụng thanh toán 50%, số lượng người  sử dụng giảm 2/3.

Bà Dung cho biết, khi thấy số lượng bệnh nhân dùng thuốc giảm đi, hạn dùng còn vài tháng thì bệnh viện đã báo công ty để luân chuyển thuốc đi nơi khác, tránh lãng phí.

Đại diện các bệnh viện cho biết, hiện nay thủ tục nhận thuốc viện trợ kéo dài trung bình mất 3 tháng, còn nhiều khâu khiến cho bệnh viện khá mệt mỏi. Nếu như thủ tục được rút ngắn lại, linh hoạt hơn đối với các loại thuốc đặc trị đắt tiền nguồn từ viện trợ như hai bệnh viện nói trên, thì đâu đến nỗi phải tiêu hủy số lượng thuốc lớn trong khi nhiều người mắc bệnh ung thư không có thuốc để chữa bệnh, kéo dài sự sống.../.