Dù đã gần 70 tuổi, bà giáo Nguyễn Thị Côi vẫn lặng lẽ cống hiến sức lực, dành bớt phần lương hưu ít ỏi hỗ trợ học sinh và duy trì Lớp học linh hoạt tình thương Tân Mai, ngõ 521 phố Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Gặp nhóm tình nguyện Hy Vọng, những thanh niên-sinh viên sớm chọn cho mình phần việc thiện nguyện, giúp đỡ người khác, trong câu chuyện vui, thật xúc động nghe cả nhóm nói về công việc của một bà giáo già với gần 20 năm dạy giỗ những trẻ em thiệt thòi.
Các em cho biết: Nhìn mọi người xung quanh với những mảnh đời như thế và cô Côi đi tập hợp lại dạy học, có những lúc phải đi mượn nhà để dạy, cô cũng phải chắt bóp từng tí một để duy trì lớp học. Nếu một người mà bỏ ra 20 năm kiên trì làm công việc này thì là quá ấn tượng. Cô Côi hàng ngày vẫn phải đi xe ôm đến đấy dạy học.
Cô giáo Nguyễn Thị Côi chuẩn bị bài học cho các cháu |
Người mà nhóm thanh niên tình nguyện vừa nhắc đến là bà giáo già Nguyễn Thị Côi, người năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn ngày ngày tận tâm chăm bẵm, dạy học cho những trẻ thiệt thòi, khiếm khuyết. Hàng ngày, người ta vẫn thấy bà giáo Côi cặm cụi, lách cách thước với bảng, kiên nhẫn bên gần hai chục học trò lớn, bé trong căn phòng nhỏ tại Nhà Hội Họp tổ dân phố số 8, phường Trương Định (Hoàng Mai-Hà Nội). Lớp học đặc biệt này dành cho các em chậm phát triển trí tuệ hoặc những em nhà quá nghèo, trẻ lang thang, cơ nhỡ. Không phải mới có mà lớp học này đã duy trì gần 20 năm nay.
Trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Côi, bà cho biết: “Khi làm hiệu trưởng trường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng cử cán bộ về tìm giáo viên có lòng làm từ thiện, thấy thế thì mình tham gia. Tôi tham gia từ khi hãy còn là hiệu trưởng đến khi về hưu và đến tận ngày hôm nay vẫn tham gia”.
Ông Lê Hồng Côn, nhà ở số 6, hẻm 4, ngách 88, ngõ 389 Trương Định (quận Hoàng Mai-Hà Nội) là bộ đội về hưu. Trong thời gian tham gia chiến đấu, ông Côn bị nhiễm chất độc hóa học. Cả hai người con của ông hiện đều chịu di chứng nặng nề: tổn thương hệ thần kinh. Người con cả bị tâm thần phân liệt. Lê Hồng Tâm, người con gái thứ hai dị tật từ khi lọt lòng mẹ. Năm nay 14 tuổi, cô bé có khuôn mặt sáng này nhưng chân tay không lành lặn. Hồng Tâm cũng thường xuyên phải chịu những cơn động kinh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ông Côn cho biết nếu không có lớp học của bà giáo Nguyễn Thị Côi, chắc chắn con gái ông không biết chữ. Ông Côn tâm sự: “Tôi thay mặt phụ huynh học sinh cám ơn cô Côi. Nếu không có những tổ chức chính trị-xã hội, không có cô Côi là người tâm huyết, không có những người như thế thì con chúng tôi không được cắp sách tới trường. Bây giờ các cháu biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia 4 phép tính, được hòa nhập với cộng đồng, với bạn bè, để sau này khi chúng lớn lên sẽ không ân hận rằng cuộc đời của mình tuổi thơ không được cắp sách tới trường”.
Đến lớp, em Lê Hồng Tâm không chỉ được học chữ mà còn học kỹ năng sống |
Không chỉ là tấm gương cho những người trẻ noi theo. Sự tận tâm, hết lòng vì công việc của bà giáo Nguyễn Thị Côi, những người lớn tuổi cũng thực sự nể phục. Bà Dung, 70 tuổi, là tổ trưởng tổ dân phố số 8 phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói: “Cô Côi là người tận tâm tận tình, rất nhân hậu, dìu dắt các cháu từ chỗ không biết một cái gì đến bây giờ cháu nào cũng biết chữ. Các cháu rất thiệt thòi ở chỗ đứa thì dị dạng, đứa thì tâm thần, đứa thì nói khó, đứa thì nhanh nhẹn nhưng mà lại tâm thần. Nhưng cô Côi tuy là người đã già rồi mà có một tấm lòng thương các cháu như thế, tôi rất khâm phục. Mà không phải bây giờ mới dạy đâu, cô ấy dạy từ lâu rồi. Tôi quen cô ấy hơn 20 năm rồi và tôi thấy cô ấy rất là cần mẫn đối với các cháu”.
Ngày nhà giáo Việt Nam năm nào cùng vậy, bên bục giảng của bà giáo Côi không hoa, không thiệp chúc mừng. Thế nhưng bà vẫn vui, coi những nụ cười của con trẻ là món quà vô giá nhất. Bà vẫn lặng thầm cống hiến với tâm nguyện vơi đi bất hạnh của các em. Hàng tháng, bà vẫn bớt phần lương hưu ít ỏi dành mua sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ cả tiền ăn cho các cháu - những đứa trẻ tật nguyền, thiệt thòi trong xã hội.
Nhìn những đứa trẻ vui sướng khi hoàn thành một con chữ, dù những nét chữ còn nghệch ngoạc, chúng ta sẽ càng trân trọng những việc làm của bà giáo Côi, người đã dành gần một phần tư cuộc đời cặm cụi, nhẫn nại nâng đỡ những tâm hồn con trẻ./.