Bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội trọng dụng. Vì thế, những người mang trên mình sự nghiệp “trồng người” luôn phải ý thức được việc không ngừng trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức, tận tâm với học trò.
Học sinh trường THCS Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc) |
Vinh dự và tự hào với nghề nghiệp bao nhiêu thì trách nhiệm đối với các thầy cô giáo cũng nặng nề bấy nhiêu. Đặc biệt là đối với những giáo viên đang sinh sống và giảng dạy ở những vùng miền khó khăn, nơi biên giới hải đảo xa xôi, địa đầu của Tổ quốc thì trách nhiệm đối với nghề nghiệp đòi hỏi họ phải dấn thân và nỗ lực không ngừng mệt mỏi.
Dù vất vả và thiếu thốn trăm bề nhưng tình yêu học trò đã khiến họ vượt qua khó khăn để bám trụ với nghề, vững tâm bám lớp, bám trường. Cô giáo Hồ Thị Tươi, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2, thị trấn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là một tấm gương như thế.
Mường Tè là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, có địa hình chia cắt, giao thông đi lại hiểm trở, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống nhưng dân trí lại thấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy công tác tại nơi đặc biệt thiếu thốn nhưng cô giáo Hồ Thị Tươi vẫn kiên trì bám lớp, bám trường cho đến nay đã được 23 năm.
Khi nhìn thấy các em người dân tộc trong các bộ quần áo cũ rách, trời lạnh cóng mà vẫn “chân trần” bước trên những phiến đá khúc khuỷu, ăn không đủ no, áo không đủ ấm, cô giáo Hồ Thị Tươi cảm thấy thương xót vô cùng. Cô giáo luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để người dân đỡ vất vả, con em của họ được tới lớp, đến trường đều đặn. Vì thế, ngoài giờ lên lớp, cô Tươi đã không quản ngại đường sá xa xôi, đi bộ hàng giờ đồng hồ đến từng hộ gia đình giúp người dân trồng rau, cấy lúa… Đây cũng là cơ hội để cô có thể tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình và có những biện pháp thuyết phục người dân cho con tới trường cũng như động viên học sinh vượt khó vươn lên trong học tập, không phải bỏ học giữa chừng.
Với 23 năm bám trụ nghề dạy học, cô Hồ Thị Tươi luôn là giáo viên đi đầu trong phong trào thi đua duy trì và tăng sĩ số học sinh tới lớp, tới trường.
Cô giáo Hồ Thị Tươi |
Đến nay, đứng trên cương vị mới là cán bộ lãnh đạo nhà trường nhưng cô giáo Hồ Thị Tươi vẫn tiếp tục công việc kêu gọi học sinh đến trường và hướng dẫn những giáo viên khác cách thức thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài ra, cô còn tổ chức tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cùng với các giáo viên trong trường nghiên cứu phương pháp dạy học mới để áp dụng vào giảng dạy cho học sinh một cách kịp thời và chất lượng hơn.
Thầy giáo có nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng dạy học
Cũng giống như cô giáo Hồ Thị Tươi, thầy giáo Lê Thế Lữ, trường Phổ thông dân tộc bán trú-Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được biết đến là người thầy mẫu mực, hết lòng vì học trò và có nhiều sáng kiến trong cải tiến chất lượng dạy học.
Trường PTDTBT-THCS Trường Sơn được biết đến là ngôi trường có đến 75% học sinh là con em dân tộc thiểu số Vân kiều thuộc những gia đình vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Các phong tục tập quán lạc hậu còn nặng nề, ăn sâu vào tiềm thức thức của người dân từ nhiều đời nay nên đã ảnh hưởng không ít đến việc học tập của học sinh và duy trì sĩ số của nhà trường.
Các thôn, bản cách xa nhau, có nhiều bản ở cách trường đến 50 km mà phải đi bộ, vượt qua nhiều đồi núi hiểm trở nên mỗi ngày cuối tuần, một số em về nhà phải đi bộ rất vất vả dẫn đến tâm lý e ngại trở lại trường. Có bản tuy gần trường, học sinh đi học và về nhà trong ngày, không ở lại bán trú nhưng ở bên kia sông không có đò qua lại nên các em phải lội sông để đến trường.
Lúc nào có mưa lũ, nước dâng cao thì việc đến trường bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học tập của các em. Một số học sinh khác ở tương đối xa, cách trường đến cả chục km muốn ở lại lớp nhưng nhà trường không có đủ phòng nên các em đành phải sáng đi học, trưa về nhà. Điều này dễ nảy sinh tình trạng bỏ học giữa chừng.
Thầy giáo Lê Thế Lữ |
Với quan điểm, đến trường mà không có trò, lớp học không đủ sĩ số là một nỗi đau lớn nên ngay từ khi sắp bắt đầu năm học mới, thầy giáo Lê Thế Lữ đã cùng với các giáo viên khác trực tiếp đi đến các bản xa để tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh thấy được lợi ích của việc đi học để từ đó vận động họ cho con đến trường, ở lại nội trú để tiện cho việc học tập.
Ngoài năng nổ trong các hoạt động kêu gọi học sinh đến lớp, thầy Lê Thế Lữ còn được biết đến là giáo viên có nhiều sáng kiến trong thiết kế bài giảng, sáng tạo đồ dùng dạy học.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, thầy đã mầy mò tìm kiếm những công dụng hữu ích của công nghệ để sáng tạo đồ dùng dạy học phục vụ cho việc dạy học của trường với bộ lắp ghép hình học lớp 7, 8 và mô hình trục số động cũng như những sản phẩm giáo dục thiết thực khác.
Thầy Lê Thế Lữ tâm sự, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy ban đầu là một bài toán khó đối với giáo viên. Tuy nhiên, qua một thời gian đã cho thấy hiệu quả tích cực khi CNTT mang lại cho cả thầy và trò một không gian mới với nhiều hứng thú trong lớp học. Với sự hỗ trợ của máy tính và một số phần mềm dạy học cùng các thiết bị đi kèm, giáo viên có thể tổ chức tiết học một cách sinh động, các bài giảng không chỉ mang hơi thở cuộc sống hiện đại gần gũi hơn với học sinh mà còn giúp cả người dạy và người học được tiếp xúc với các phương tiện hiện đại, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình.
Với sự không ngừng trau dồi kiến thức, kiên trì theo đuổi các sáng kiến, năm học nào, thầy giáo Lê Thế Lữ cũng tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi do địa phương tổ chức hoặc các cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy, soạn bài giảng điện tử e-Learning. Điều bất ngờ là các cuộc thi nào, thầy Lữ cũng đều đoạt giải.
Nhiều cán bộ, giáo viên trong trường thầm cảm phục, nếu không có cái tâm với nghề dạy học thì thầy giáo Lê Thế Lữ khó có thể trăn trở để nghiên cứu, làm ra những sản phẩm sáng tạo dạy học hữu ích.
Tại buổi lễ tuyên dương những nhà giáo tiêu biểu do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, thầy giáo Lê Thế Lữ luôn cho rằng, những thành quả mình đạt được chỉ đóng góp rất nhỏ cho công tác giáo dục. Điều mà thầy khát khao và mong ước là tất cả những vùng miền xa xôi, khó khăn, trong đó có trường của thầy đang dạy sẽ có thêm nhiều lớp cho học sinh học nội trú, để các em được đến trường đều đặn hơn. Địa bàn của trường thầy dạy học sẽ sớm có cây cầu bắc qua sông để những học sinh không phải lội nước đến lớp./.