Chiều 30/10, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: mục tiêu của việc thu phí nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí.
Theo đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" của Sở GTVT Hà Nội. Xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) được đề nghị từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt.
Thời gian thực hiện thu phí từ 5h00 - 21h00 có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30. Các đối tượng chịu phí giảm ùn tắc giao thông là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí.
Cũng theo báo cáo mới nhất, Sở GTVT Hà Nội chính thức đưa ra dự kiến khung mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt.
"Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng sẽ thu về ngân sách hàng năm khoảng 300 tỷ", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra mức dự kiến.
Thu phí ô tô từ 50.000 - 100.000 đồng/ lượt
Liên quan đến mức phí thu vào nội đô, ông Viện cho hay, trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí, được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đếm lưu lượng. Dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt. Mức cao nhất dự kiến 100.000 đồng/lượt
Cũng theo ông Viện, đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông, trừ các phương tiện được miễn phí như: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...
Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.
Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi).
Tuy nhiên, ông Viện cho rằng, mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND TP.Hà Nội xem xét trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính được duyệt trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí. Mức phí đưa ra 50.000 - 100.000/lượt mới chỉ là khái toán.
"Để việc thu phí vào nội đô được thực thi, cần phải xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện như: Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí); kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và HĐND, UBND TP, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ", ông Viện cho biết.
Công nghệ thu phí hiện đại
Về điều kiện pháp lý, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu phí như Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí).
Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, gành và HĐND- UBND Thành phố, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ.
Ngoài ra, quy định về người đăng ký phương tiện giao thông, có trách nhiệm mở tài khoản và gắn các thiết bị thu phí không dừng; quy định về xử lý truy thu đối với lái xe không nộp phí và quy định về xử lý phạt đối với các đối tượng cố tình không nộp phí. Trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, quản lý và vận hành việc thu phí và người nộp phí cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Về công nghệ thu phí, sẽ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại không dừng kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống Camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.
Bên cạnh đó, tích hợp được với công nghệ thu phí không dừng, thống nhất với việc thu phí tại các trạm BOT, cầu đường trên địa bàn TP.Hà Nội và phạm vi cả nước, thuận tiện cho người điều khiển phương tiện.
Lộ trình thực hiện, dự kiến HĐND TP. Hà Nội thông qua đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.
Từ năm 2022 - 2023, Hà Nội sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.
Năm 2024, trình HĐND TP.Hà Nội ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP.Hà Nội quyết định trong năm 2024./.