Khi nền kinh tế ngày càng phát triển và công nghệ thông tin (CNTT) phát triển như vũ bão cũng là lúc thế giới lại xuất hiện loại hình tội phạm phi truyền thống. Đó là loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là mạng Internet để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, năm 2013, nhóm nghiên cứu của Học viện Cảnh sát Nhân dân đã tiến hành đề tài: “Đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội”. Đề tài đã đoạt giải Nhất Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014.
Với đề tài trên, nhóm nghiên cứu của Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, cần phải đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để cho người dân có thể phòng ngừa chiếm đoạt tài sản từ những mánh lới lừa đảo của loại tội phạm công nghệ cao. Điểm đặc biệt của loại tội này khác với những tội phạm khác là không dùng vật dụng, vũ khí “nóng” như: dao, súng, kiếm… mà sử dụng CNTT để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân đã phải đến các trại tạm giam tù nhân theo sự hướng dẫn của điều tra viên để nghiên cứu những đặc điểm, tâm lý, mục đích, phương thức, thủ đoạn phạm pháp của loại tội phạm sử dụng Internet nhằm chiếm đoạt tài sản cũng như quá trình các đối tượng tẩu tán tài sản sau khi chiếm dụng như thế nào. Vì thế, công việc của họ gặp không ít khó khăn khi phải “chạy” theo tìm hiểu những thủ đoạn và loại hình công nghệ thông dụng, hiện đại nhất mà các tội phạm thực hiện hòng che mắt cơ quan pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều loại tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo ở nước ngoài nhưng lại nhắm vào người Việt Nam nên trong quá trình thu thập thông tin về các đối tượng, cả nhóm phải nhờ thầy giáo và các cán bộ, điều tra hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.
Loại tội phạm công nghệ cao có khi không phải là côn đồ hung hãn mà lại là những trí thức như sinh viên học khoa CNTT ở các trường ĐH, CĐ, có những kiến thức nhất định về công nghệ, hiểu biết pháp luật, chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi tiếp xúc với loại tội phạm này, những cán bộ, điều tra viên hay cả nhóm nghiên cứu đề tài đều phải hết sức tỉnh táo, không được “lép vế” thì mới có thể phá nhanh vụ án hay khai thác thông tin một cách chính xác nhất.
Đối tượng phạm tội có tuổi đời rất trẻ từ 18 đến 30
Hiện nay, có đến 70% tội phạm công nghệ cao là người trẻ, chủ yếu từ 18-30 tuổi. Trong những lần tiếp xúc với tội phạm, Trần Phương Thảo, trưởng nhóm nghiên cứu đề tài: “Đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội” nhận thấy, có nhiều người sử dụng các thiết bị CNTT rất thành thạo và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ đã không sử dụng những kiến thức, sự hiểu biết của mình để phục vụ cho xã hội mà lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều người dân bị tội phạm công nghệ cao lừa bằng cách đánh cắp thông tin cá nhân, rồi sau đó tiến hành làm thẻ ATM mới và đánh thông tin vào hòng chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng lừa đảo bằng cách giả mạo là bạn bè, người thân của một ai đó với lời kêu cứu bị mất vé máy bay, hết tiền điện thoại hay thậm chí đưa ra chiêu thức quảng cáo trúng thưởng nên nhờ người bị hại ra mua sim điện thoại, nạp tiền vào tài khoản của chúng. Để tránh sự nghi ngờ của người dân, các đối tượng phạm tội thường đưa ra mức tiền để nạp vào tài khoản không quá lớn. Người sử dụng Internet trong tâm thế hoảng hốt liền vội vã chuyển khoản, sau đó mới giật mình kiểm tra thì tiền đã biến mất.
Đặc biệt hơn, có nhiều người bị đánh cắp tài khoản và thông tin cá nhân bằng những website mua bán rao vặt có tên và đường link giống như website chính thống của một tờ báo, công ty nào đó. Nếu người dân điền thông tin cá nhân vào website giả mạo đó thì nhanh chóng bị rút tiền khỏi tài khoản cá nhân.
Internet mang lại nhiều tiện lợi cho cuộc sống và cung cấp thông tin đa dạng cho người dân nhưng người dùng Internet cũng dễ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Vì vậy, khi sử dụng Internet, người dân cần phải trang bị những kiến thức nhất định về cách phòng ngừa những lời mời hay chiêu thức có thể khiến họ mất kiểm soát dữ liệu tài khoản, thông tin cá nhân mỗi khi kích chuột bàn phím máy tính hay gửi thư điện tử, chat với bạn bè...
Các công ty, doanh nghiệp cũng cần biết và cẩn thận với những thủ đoạn lừa đảo thông qua giao dịch thương mại điện tử, tài khoản.
Đề tài nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của Học viện Cảnh sát Nhân dân không chỉ đưa ra những chiêu thức lừa đảo tinh vi của loại tội phạm công nghệ cao mà còn là lời cảnh báo người dân, các đơn vị, doanh nghiệp cách phòng ngừa khi sử dụng Internet, các thiết bị công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, đề tài còn khuyến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bịt kín mọi sơ hở, triệt tiêu những nguyên nhân có thể phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời khuyến nghị các đơn vị chức năng đầu tư cho hoạt động quản trị mạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) cho biết: Lứa tuổi lợi dụng sự tiện ích của mạng Internet và các thiết bị công nghệ phạm tội đa phần là người trẻ tuổi, có đặc tính tò mò rất cao, am hiểu về công nghệ thông tin. Họ lại có ham muốn được chinh phục thử thách, càng khó khăn càng muốn vượt qua. Nhiều người đã bị cám dỗ, rồi thực hiện hành vi tấn công mạng mà không lường hết được hậu quả, mất mát cho xã hội, gia đình và người thân, thậm chí là ảnh hưởng tới cả nước khác như có tội phạm ở trong nước nhưng lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở một nước khác.
Ông Nguyễn Minh Đức khuyến nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhiều trường học, gia đình tăng cường giáo dục ý thức chính trị, đạo đức công dân cho những người trẻ giỏi về CNTT để họ sử dụng kiến thức, hiểu biết về CNTT phục vụ cho phát triển xã hội, không nên cố ý hay thậm chí vô tình trở thành tội phạm công nghệ cao./.