Nguyên đơn đề nghị bồi thường bổ sung gần 700 triệu

Ngày 18/10, ông Lương Ngọc Phi (67 tuổi, trú tại số nhà 463, đường Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình, nguyên Giám đốc công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) cho biết, ông tiếp tục gửi đơn kháng cáo bổ sung đến TAND TP.Thái Bình.

Nội dung đơn kháng cáo bổ sung yêu cầu tăng số tiền bồi thường thêm trên 660 triệu đồng so với đơn kháng cáo trước đó.

a3_htna.jpg

Vợ chồng ông giám đốc thuê căn nhà kho để làm nhà ở

Cụ thể, ngày 24/8, ông Phi đã có đơn kháng cáo đối với bản án số 04/2015/DS-ST của TAND TP.Thái Bình khi tòa này tuyên xử bị đơn là TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường thiệt hại cho ông Phi tổng số tiền gần 23 tỷ đồng.

Trong đơn kháng án, ông Phi xác định việc TAND TP.Thái Bình bác yêu cầu bồi thường tiền lương 34 triệu đồng cho hai nhân viên coi kho và thiệt hại do không được sử dụng, khai thác từ tài sản hơn 33 triệu đồng cũng như bác yêu cầu đòi Công an tỉnh Thái Bình bồi thường hơn 32 triệu đồng là không hợp lý.

Vì vậy, ông Phi kháng cáo yêu cầu 2 cơ quan là Công an tỉnh Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình đều phải bồi thường cho ông trên 32 tỉ đồng, tổng tiền bồi thường là trên 64 tỉ đồng như khởi kiện.

Sau khi xem xét lại hồ sơ vụ án, ông Lương Ngọc Phi còn cho rằng, việc định giá tài sản của tòa là chưa hợp lý.

Theo các tài liệu trong vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra kê biên số lượng hạt ý rỹ (hạt bo bo) của ông tại kho Long Khánh (Đồng Nai) là 280.770 kg.

Tính theo giá thành xuất khẩu tại thời điểm đó là 69.000 đồng/kg thì số tiền phải bồi thường là hơn 1.653.454.530 đồng. Tuy nhiên, tòa chỉ tuyên TAND tỉnh Thái Bình bồi thường có 15.324.145.830 đồng là thiệt hại cho ông Phi 662.561.046 đồng. Vì vậy, ông Phi làm đơn kháng cao bổ sung, yêu cầu tòa phúc thẩm tính lại, bổ sung khoảng tiền trên vào hồ sơ vụ án.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lương Ngọc Phi cho biết, cùng với yêu cầu tăng tiền bồi thường thêm trên 660 triệu đồng, trong đơn kháng cáo bổ sung, ông Phi đã trình bày các dẫn chứng, bằng chứng bác bỏ toàn bộ 4 nội dung kháng cáo của TAND tỉnh Thái Bình.

Trước đó, ngày 7/9/2015, TAND TP.Thái Bình cũng nhận được đơn kháng cáo của TAND tỉnh Thái Bình về bản án này.

Trong đơn kháng cáo, TAND tỉnh Thái Bình đưa ra 4 nội dung kháng cáo gồm xác định việc xét xử sơ thẩm lại của TAND TP.Thái Bình là sai luật. Quá trình thụ lý và xét xử sơ thẩm này vi phạm luật tố tụng vì chưa thực hiện thủ tục thương lượng giữ hai bên. Tài sản yêu cầu bồi thường không phải là của ông Phi mà của công ty ông Phi làm giám đốc (công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) nên việc xử bồi thường cho ông Phi là không đúng. Cuối cùng, việc tòa sơ thẩm tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường số tài sản do cơ quan điều tra (công an-PV) thu giữ và phát mại là trái pháp luật.

Theo ông Lương Ngọc Phi thì dù kháng cáo, nhưng ngày 5/10/2015, TAND tỉnh Thái Bình vẫn ra thông báo số 23/TBTL-TA về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm do thẩm phán ông Phạm Quốc Bảo ký.

“Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị TAND tối cao chỉ đạo không để TAND tỉnh Thái Bình xử phúc thẩm vì theo trình tự phúc thẩm, họ sẽ thụ lý vụ án để xử chính mình, khó có thể đảm bảo công tâm”, ông Phi nói.

Mong luật pháp sớm được thực thi

Đến thăm gia đình ông Phi mới chứng kiến được cuộc sống tạm bợ hiện nay của đại gia đình ông giám đốc oan sai một thời. Nói là đại gia đình vì hiện nay đang có 4 đời nhà ông Phi (Bố đẻ, vợ chồng ông Phi, con và cháu nội ông Phi) đang cùng sống trong căn nhà trước đây là khu nhà kho lương thực số 2 thuộc Công ty lương thực Thái Bình, trên đường Lý Thái Tổ, TP. Thái Bình.

Ông Phi và bố đẻ là ông Lương Ngọc Trung

Căn nhà kho xập xệ, bong tróc từng mảng tường vôi là nơi sống của gần 10 người nhà ông Phi từ sau ngày ông bị bắt, bị tù oan và phát mại tài sản.

Ông Lương Ngọc Trung, là bố đẻ ông Lương Ngọc Phi năm nay đã 93 tuổi ngày nào cũng hết nằm trên giường rồi lại ra đứng ngoài cửa mắt nhìn về xa xăm và hỏi về vụ việc của ông Phi, bao giờ sẽ được đền bù.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trung cho biết, bản thân ông và gia đình là gia đình cách mạng, ngày còn nhỏ ông đã từng mang cơm nuôi bộ đội  và cán bộ hoạt động cách mạng.

Gia đình luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ông lấy vợ và đẻ được 6 người con, thương ông Phi vất vả nên từ ngày vợ ông mất là ông ở với vợ chồng ông Phi.

 “Từ khi anh Phi bị bắt, bị đi tù oan là những ngày gia đình tôi sống trong cảnh khó khăn, bần hàn, vất vả nhất, nhất là những ngày đầu còn chịu áp lực vì những điều tiếng mang lại. Giờ Đảng và Nhà nước đã minh oan cho con tôi rồi thì cũng mong sớm được bồi thường những thiệt hại về kinh tế, tài sản khi xưa để gia đình tôi bớt khó khăn hơn thôi…”, ông Trung nói.

Còn bà Vũ Thị Nhung là vợ ông Phi năm nay 57 tuổi vừa nấu cơm vừa lấy tay quyệt nước mắt kể lại, các chú thấy đấy, gia đình tôi bây giờ lâm vào cảnh này rồi cũng là vì ông nhà tôi bị bắt oan sai, vợ chồng, cha con ly tán bao năm.

Sau khi được minh oan thì là bằng ấy thời gian chạy hết từ tỉnh, trung ương, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để minh oan, đòi quyền lợi.

Giờ đây mong muốn lớn nhất của gia đình tôi là Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã  “đèn trời soi xét” thấu đáo rồi cũng mong sớm được chi trả tiền bồi thường oan sai để gia đình có tiền mà trả nợ, trang trải cuộc sống.

Còn đối với ông Phi, một người đàn ông phong độ thủa nào, do oan sai, tù đày và do thời gian dài đi tìm công lý cho mình giờ đây đã ở cái tuổi gần 70 có phần già yếu nhiều so với tuổi. Ông Phi cũng rất trăn trở với câu hỏi bao giờ thì ông và gia đình nhận được tiền bồi thường.

“18 năm oan sai, nhưng sau phiên tòa xử lần trước, mất hơn 15 năm tôi chưa được nhận tiền bồi thường. Từ khi vướng vào oan sai, tất cả công việc kinh doanh và cuộc sống của gia đình tôi đều hoàn toàn bị đảo lộn, bản thân tôi thì đã 67 tuổi. Vì vậy, lần này, tôi mong các cơ quan chức năng sớm thi hành án để tôi kịp nhìn thấy công lý được thực thi khi tuổi cao, sức yếu, không còn sức lao động”, ông Phi tâm sự.

 “Bây giờ, tôi không có thể trẻ lại thời các đây 20 năm để mở công ty, làm lại từ đầu được. Mong muốn là sớm nhận được tiền đền bù để có tiền một phần trả nợ anh em bạn bè đã vì mình mà chịu nhiều thiệt thòi, điều tiếng bao năm qua. Phần còn lại, mua được mảnh đất xây cái nhà lên, sau này có chỗ cho con cháu hương hỏa cho ông bà, tổ tiên…”./.

Vụ án ông Lương Ngọc Phi (68 tuổi, trú tại 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) bị khởi tố bị về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế vào tháng 4/1998.

Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh trên.

Một tháng sau khi ông Phi bị bắt, cơ quan công an đã đem hóa giá toàn bộ tài sản của ông và công ty.

Năm 2001, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Phi; đồng thời TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú.

Sau khi được xác định oan sai, ông Phi đã 6 lần thương lượng bất thành với các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình về việc bồi thường do cả ba cơ quan (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) đều né tránh trách nhiệm.

Sau khi Nghị quyết 388 hết hiệu lực và được thay thế bằng luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, quy định rõ cơ quan xét xử cuối cùng phải chịu trách nhiệm nên đến ngày 26/8/2013, 12 năm sau khi được công nhận oan sai, TAND thành phố Thái Bình đã xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng.

Tưởng như sự việc đã đến hồi kết, tuy nhiên, từ đó tới nay, ông Phi vẫn tiếp tục chờ đợi cơ quan chịu trách nhiệm bồ thường đứng ra bồi hoàn thiệt hại cho mình.

Đây là vụ án oan sai đầu tiên theo NQ 388 về bồi thường oan sai cho các tổ chức, cá nhân bị oan sai. Đồng thời là vụ án oan tính đến thời điểm hiện tại có số tiền bồi thường kỷ lục là gần 23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi được nhận lời xin lỗi công khai từ cơ quan để xảy ra sai phạm, sau hơn 15 năm ông Phi vẫn chưa nhận được số tiền bồi hoàn về quyền lợi, tài sản do trong vụ oan sai trên.