Ngày 28/4, gia đình ông Hồ Long Chánh (chồng bà Lan) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã tổ chức buổi lễ tri ân ông Trần Quốc Lục và bà Ngô Thị Phanh là người đã có công nuôi dưỡng con gái ông Chánh, bà Lan suốt 40 năm.

Hạnh phúc không trọn vẹn

Từ sáng sớm, bạn bè và người thân đã đến chung vui với gia đình. Chị Tuyết tất tả tiếp khách, nhận những lời chúc của mọi người, nhưng lâu lâu lại sà đến bên hai người mẹ đang tâm sự về nỗi đắng cay, về người con gái đem lại niềm vui lớn cho hai gia đình.

5837902410102397091753524090751694248345600_n_1556531817147_ncir.jpg
Ông Chánh và bà Lan tri ân người nuôi dưỡng con gái mình.

Mắt chị Tuyết đỏ hoe, ngấn lệ. Khi mọi người động viên chị phát biểu tại buổi lễ, chị không thể thốt nên lời, chỉ biết gục đầu vào vai hai mẹ mà khóc. Những gì xảy ra với chị ngỡ như một giấc mơ khi có hai người mẹ mà ai cũng thương yêu mình.

Năm 1979, bà Lan bị bắt, khi đó bà đang mang thai 5 tháng. Cuộc sống tù đày, suốt ngày phải chịu những trận đòn của điều tra viên nên chỉ 2 tháng sau bà Lan đã sinh con trong tù khi thai kỳ vừa 8 tháng. Khi sinh con tại trạm xá, bà Lan lo lắng con lớn lên trong tù cùng mẹ không có tương lai nên đã quyết định bỏ trốn nhưng bị công an bắt giữ lại và bỏ con gái vừa sinh lại trạm xá của trại giam.

Thương xót trước hoàn cảnh gia đình bà Lan, đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nên ông Lục mang cháu bé về nuôi dưỡng và đặt tên là Trần Thị Tuyết.

Chị Tuyết bật khóc ngày nhận lại cha mẹ đẻ.

Ông Lục làm Công an trại giam huyện Trảng Bàng còn bà Phanh thì đi chăn trâu. Khi ông Lục nhận Tuyết về nuôi thì bà Phanh phải tạm ngừng công việc chăn trâu hơn 2 năm để ở nhà chăm lo cho chị Tuyết. Chị Tuyết bị sinh non lại không có sữa mẹ nên chị Tuyết không được khỏe mạnh như những đứa trẻ cùng trang lứa. Vì vậy, ông Lục và bà Phanh nuôi được chị Tuyết lớn lên là điều không hề đơn giản.

“Ngày ông ấy mang con bé về thì được khoảng 2 ngày tuổi, người thì bé xíu. Thời gian đó gia đình ai cũng khó khăn nên việc nuôi Tuyết cũng không đơn giản. Đặc biệt con bé lại ốm yếu, hồi nhỏ nó trải qua những trận ốm tưởng chừng như đã không thể qua khỏi. Ông nhà tôi phải chạy khắp nơi để kiếm sữa, thuốc để cứu chữa, nuôi nấng con bé lớn lên. Vợ chồng tôi chỉ có một người con trai, sau hơn 17 năm tôi vẫn không thể sinh thêm, trong khi ông nhà lại mê con gái nên gia đình tôi cũng cố gắng nuôi được con bé. Ông mê con bé lắm, đi làm là nhớ, về nhà thì bố con lại quấn quýt bên nhau, con bé thích đi đâu cũng dẫn đi. Nhưng ông nhà chưa kịp nhìn con bé lớn lên thì ông đã bị tai nạn giao thông và ra đi mãi mãi”, bà Phanh nhớ lại.

Có nhiều người dân đến chúc mừng chị Tuyết nhận lại mẹ đẻ.

Tính chuyện tương lai ở tuổi gần đất xa trời

Khi được hỏi bà có buồn bị mất chị Tuyết khi chị nhận lại bố mẹ đẻ thì bà Phanh mỉm cười nói: “Không buồn đâu, con có thêm mẹ thì mạ càng thêm vui”.

Bà Phanh cũng cho biết mình bây giờ cũng già yếu rồi, không biết khi nào “lá rụng về cội”, nên sau này lỡ có mệnh hệ gì thì con gái sẽ không cô đơn khi có thêm ba mẹ, người thân. Bà nói mình nhận nuôi con gái chỉ có được chứ không mất.

Về phần mình bà Lan gửi lời cảm ơn tới gia đình bà Phanh đã nuôi dưỡng, chăm sóc người con mà bà đã tưởng chết khi vừa mới sinh.

“Bây giờ tôi đã là một công dân thực thụ, đã được minh oan sau gần nửa thập kỷ mang thân phận bị can. Hiện nay tôi đã sinh sống ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương còn Tuyết thì sống ở Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh, mặc dù đường xa, tuổi đã cao nhưng thời gian tới tôi sẽ thường xuyên qua thăm con để bù đắp những thiếu thốn bao năm qua của Tuyết. Sau này, tôi cũng phải tính toán để lo cho tương lai của hai mẹ con”, bà Lan ngấn lệ.

Vụ án oan sai 40 năm này, dù khốc liệt, gây ra nhiều đau thương cho các nạn nhân, đâu đó trong cuộc sống vẫn nảy nở những điều kỳ lạ, nhất là tình người và lòng nhân ái, sự bao dung. Nếu 8 nạn nhân được minh oan bởi quyết định đình chỉ điều tra vụ án do “bao công” Trịnh Quốc Anh, Viện phó Viện KSND tỉnh Tây Ninh khi đó ký, thì cuộc đời chị Tuyết lại gắn chặt với người cán bộ công an nhân hậu Trần Quốc Lục./.