Như VOV đã đưa tin, chiều 11/3, trên cổng thông tin điện tử Bộ công an phát đi thông báo: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nhà riêng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về hành vi tổ chức đánh bạc.

Ông Nguyễn Thanh Hóa (60 tuổi, quê Bình Định, hiện ngụ quận Đống Đa, TP. Hà Nội) bị khởi tố, bắt tạm giam do có liên quan đến vụ án hình sự: Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền, xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, được Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức, điều tra từ cuối năm 2017.

photo1520760610677_15207606106781280652520_uqcj.jpg
Từ vụ án "110 chiếc thẻ điện thoại" lần ra đường dây đánh bạc nghìn tỷ được tướng công an bảo kê".

Theo thông tin trên báo chí, đây là vụ án được công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với đơn vị chức năng Bộ công an khai phá, phát hiện. Sau đó, Đảng ủy Công an T.Ư tiếp tục giao Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để điều tra, làm rõ. 

Về việc đơn vị công an địa phương thực hiện thủ tục tố tụng đối với cán bộ cấp cao thuộc Bộ Công an, Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) để làm rõ vấn đề trên.

Theo luật sư Thơm, điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định rõ về vấn đề bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội khi thực hiện hành vi phạm tội, đều bị xử lý theo quy định.

Việc tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phải tuân theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, không có ngoại lệ về địa vị xã hội, chức vụ của người phạm tội.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội).

Trong vụ án này, cơ quan điều tra công an tỉnh Phú Thọ phát hiện ông  Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu vi phạm nên hoàn toàn có quyền khởi tố hình sự. Việc làm trên theo quy định nên không loại trừ ai.

Tiếp đó, để xử lý những hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự, cơ quan có thẩm quyền khởi tố sẽ tiến hành các bước sau:

Tiếp nhận thông tin (Điều 143 BLTTHS 2015)

Đầu tiên, việc khởi tố 1 vụ án sẽ phải dựa trên các căn cứ pháp luật như: Tố giác, tin báo của tổ chức, cá nhân, kiến nghị của cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền khởi tố trực tiếp phát hiện dấu hiệu phạm tội hoặc người phạm tội ra tự thú.

Xác minh nguồn tin (Điều 145; 146 BLTTHS 2015)

Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan điều tra sẽ thu thập, kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác. Với vụ việc phức tạp thì không quá 2 tháng. Sau 2 tháng vẫn chưa kết thúc kiểm tra, xác minh thì Viện kiểm sát có thể gia hạn thêm 2 tháng. Tổng thời gian tối đa để xác minh 1 nguồn tin tố giác tội phạm là không quá 4 tháng kể từ ngày tiếp nhận.

Ra quyết định (Điều 154 BLTTHS 2015)

Sau khi đã tiến hành xác minh nguồn tin, Cơ quan có thẩm quyền khởi tố sẽ phải ra 1 trong 3 quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Cơ quan điều tra cũng có trách nhiệm thông báo đến Viện kiểm sát cùng cấp để đơn vị này có cơ sở kiểm tra, giám sát theo đúng pháp luật.

Manh mối từ vụ án "110 chiếc thẻ điện thoại"

Từ vụ án lừa đảo chiếm đoạt 110 thẻ điện thoại của bà Võ Minh Phương trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, CQĐT tỉnh Phú Thọ mở rộng điều tra khai phá đường dây cờ bạc quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Đường dây này được cho là có liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) và khoảng 70 cá nhân khác.

“Sau khi xác minh, Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án đấu tranh, đến tháng 7/2017 tiến hành bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997) trú tại Quảng Trị là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương”, - cán bộ điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thông tin trên báo chí.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet tại Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao.

Cơ quan chức năng cũng tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Dương (SN 1975) - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao và bà Lưu Thị Hồng (SN 1976), Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao./.

Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa từng tham gia phá nhiều đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet. Sau khi kết thúc Euro 2012, C50 đã chặn thành công hơn 180 trang web và gần 200 IP máy chủ các trang web đánh bạc cá độ bóng đá. Những vụ án lớn có dấu ấn ông Hóa là vụ đánh bạc xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao do người Việt Nam và một số đối tượng người Trung Quốc tổ chức, chuyên án sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp của Công ty Cộng Đồng Việt...
Theo báo Tuổi trẻ, ông Hóa là người chỉ đạo đơn vị trong C50 triệt phá đường dây cờ bạc qua mạng hàng trăm tỉ đồng vào năm 2013 do vợ chồng Vương Chấn Thanh (37 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Viễn Tín, đường 3 Tháng 2, Q.11, TP.HCM) và Đàm Kim Khuyến (34 tuổi) tổ chức. C50 là cơ quan tham mưu giúp Tổng cục trưởng chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong cả nước. /.