Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với Phạm Đình Đương (23 tuổi, trú tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội Giết người, Cướp tài sản. 

Trước đó, ngày 2/8/2014, Đương kết bạn với chị T.T.M (22 tuổi) qua điện thoại. Tối hôm sau, Đương dùng xe máy chở T.T.M tới dốc Truông Mung (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) trò chuyện.

Trong cuộc chuyện trò, do mâu thuẫn xảy ra, Đương siết cổ cô gái 22 tuổi này. Tưởng T.T. M đã chết, Đương kéo xác vào rãnh thấp ven đường.

dsc02002_djyw.jpg
Bị cáo Đương trước vành móng ngựa.
Khi định bỏ về, thấy nạn nhân vẫn còn thoi thóp thở, anh ta quay lại dùng áo chống nắng bọc hòn đá rồi đập mạnh vào vùng đầu và mặt khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi giết chết bạn gái mới quen, Đương chiếm đoạt điện thoại, trên đường về nhà đã vứt sim điện thoại, hòn đá gây án xuống sông, đồng thời đốt quần áo để phi tang. Sau khi gây án, cơ quan điều tra vào cuộc vào sớm bắt giữ Đương.

Vào tháng 6/2015, tại phiên sơ thẩm tòa án xác định, hành vi của Đương là tàn ác, ra tay sát hại người khác có chủ ý.

HĐXX tuyên phạt 16 năm về tội Giết người, 7 năm tội về tội Cướp tài sản. Tổng hình phạt 23 năm tù.

Sau bản án sơ thẩm, Đương đã làm đơn kháng cáo gửi lên TAND Cấp cao xin được giảm nhẹ hình phạt.

Lý do kháng cáo của Đương là sức khỏe yếu và gia đình hết sức khó khăn, mong được giảm nhẹ hình phạt để cải tạo tốt quay trở lại với gia đình.

Về phía TAND Hà Tĩnh cũng xác định, giữa bị cáo và nạn nhân có quan hệ tình cảm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà ra tay bóp cổ, sau đó còn dùng đá dập vào đầu đến chết mới thôi.

Hành vi phạm tội này mang tính chất quyết liệt, hung hãn cao độ, coi thường tính mạng của người khác mà bất chấp pháp luật.

TAND Hà Tĩnh cũng thấy rằng, bản án sơ thẩm có thiếu sót khi bỏ lọt tình tiết tăng trách nhiệm hình sự “Giết người mà liền sau đó phạm tội rất nghiêm trọng” được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo dẫn đến chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà Đương gây ra.

Xét khi lượng hình bản án sơ thẩm có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ của Phạm Đình Đương như: Quá trình khai báo thành khẩn, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 40 triệu đồng. Nhưng mức hình phạt 16 năm tù về tội giết người là quá nhẹ chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo.

TAND Hà Tĩnh đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm. Áp dụng thêm điểm e, khoản 1, Điều 93 bộ luật Hình sự, tăng mức hình phạt lên Chung thân đối với bị cáo Phạm Đình Đương về tội Giết người.

Áp dụng khoản 1 điều 133 Bộ luật Hình sự giảm một phần hình phạt của vị cáo đối với tội Cướp tài sản.

Trong phiên xử phúc thẩm mới đây TAND Cấp cao cũng chỉ rõ, khung hình phạt 16 năm tù đối với tội giết người là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Nên đã tăng hình phạt lên án Chung thân./.