Trước đó, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm theo kháng nghị của VKS, ngày 13/11/2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đối với vụ án “con rể lừa mẹ vợ”. Cùng với quyết định hủy án sơ thẩm đó, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội cũng quyết định trả hồ sơ để điều tra, truy tố và xét xử lại từ đầu.

con_re_1_vsme.jpg
Trần Minh Anh (áo đỏ) vui mừng ngay sau khi được tuyên không phạm tội, năm 2014.
Trở lại vụ án, sau hơn 5 năm xảy ra vụ việc và với gần chục lần mở tòa rồi lại hoãn hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 17/9/2014, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên bố ông Trần Minh Anh (SN 1961, trú tại phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng truy tố.  

Quá trình giải quyết vụ án này cho thấy, Trần Minh Anh bị VKSND Tối cao (nay là VKSND Cấp cao tại Hà Nội) truy tố đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của Công ty CP chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (gọi tắt là Công ty Bảo Việt) hơn 3 tỷ đồng. 

Cụ thể, cuối tháng 1/2007, bà Bùi Thị Minh (trú ở quận Hai Bà Trưng) và con rể là Trần Minh Anh đến Công ty Bảo Việt mở tài khoản, rồi chuyển hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản để kinh doanh cổ phiếu. Hơn 1 năm sau, bà Minh đến Công ty Bảo Việt rút tiền thì phát hiện tiền trong tài khoản chỉ còn lại 9,1 triệu đồng. Số tiền trước đó trong tài khoản mang tên bà Minh đã bị Minh Anh 19 lần làm thủ tục rút gần hết. 

Mở tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng, về danh nghĩa bà Minh là chủ tài khoản mở tại Công ty Bảo Việt, song thực tế thì mọi thủ tục giấy tờ, ký tá và các lần rút, chuyển tiền đều do Trần Minh Anh thực hiện. Và hầu hết các lần Minh Anh giao dịch, mua bán chứng khoán tại Công ty Bảo Việt đều có mặt bà Minh. 

Về số tiền đưa vào tài khoản mang tên bà Minh, nhiều tài liệu chỉ rõ đó là tiền của Minh Anh và vợ là chị Trần Kim Ngân (con gái bà Minh, hiện cư trú tại CHLB Đức) gửi về để chơi chứng khoán. Trong khi đó, bà Minh và con gái thì khẳng định số tiền Minh Anh rút ra từ tài khoản tại Công ty Bảo Việt là tiền riêng của chị Ngân gửi về trả nợ mẹ đẻ.

Và vẻ mặt buồn bã của Trần Minh Anh tại phiên tòa phúc thẩm bị hủy án, năm 2015.
Theo cấp tòa sơ thẩm lần lần một, trong nhiều tài liệu cùng lời khai của những người liên quan chỉ ra rằng số tiền hơn 3 tỷ đồng được đưa vào tài khoản mang tên bà Minh vốn có nguồn gốc từ việc chị Ngân bán ngôi nhà chung với ông Minh Anh ở bên Đức, sau đó gửi về cho chồng để chơi chứng khoán.

Cũng theo bản án sơ thẩm ngày 17/9/2014 của TAND TP Hà Nội, ngoài những tài liệu thể hiện Trần Minh Anh “lừa tiền của chính mình” thì ở thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, dù đứng ở hai “chiến tuyến”, song thực tế hôn nhân giữa bị cáo và chị Trần Kim Ngân vẫn còn hiệu lực pháp luật. Vì khi phiên tòa này mở ra, chưa có bất kỳ một bản án hay quyết định nào của tòa án thể hiện 2 người đã ly hôn. 

Dù vậy, tại phiên tòa phúc thẩm hồi cuối năm 2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội lại có cách nhìn nhận khác. Theo đó, HĐXX phúc thẩm khẳng định có căn cứ cho thấy bà Bùi Thị Minh nhận hơn 3 tỷ đồng từ Vietcombank, rồi nộp vào tài khoản chứng khoán tại Công ty Bảo Việt. Vì thế, việc bị cáo Minh Anh rút tiền từ tài khoản này là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước khi không có giấy ủy quyền của chủ tài khoản.

Về số lần giao dịch thông qua tài khoản mang tên bà Minh, cấp phúc thẩm nhìn nhận người đứng tên chủ tài khoản chỉ thực hiện giao dịch 2 lần, còn bị cáo Minh Anh thực hiện 19 lần và đều không có giấy ủy quyền. Mặt khác, bút toán kế toán cho thấy có nhiều nội dung giao dịch khác nhau, trong đó có tiền bị cáo gửi vào, rút ra, mua bán cổ phiếu và tiền vay tạm ứng. Trong số các lần bị cáo giao dịch có 9 lần ký giả ủy quyền và 10 lần là tự ký tên bà Minh vào mục người lĩnh tiền. 

Về đăng ký kết hôn của chị Trần Kim Ngân (con gái bà Minh và là vợ Minh Anh), Tòa án Cấp cao cho rằng trong hồ sơ vụ án tồn tại 2 giấy đăng ký kết hôn. Trong đó, một giấy chị Ngân đăng ký kết hôn với bị cáo Minh Anh vào năm 1988 và một giấy đăng ký kết hôn với người khác vào năm 2007 nhưng lại chưa có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận đâu là giấy chứng nhận kết hôn có hiệu lực pháp luật.

Đối với Công ty Bảo Việt, HĐXX phúc thẩm đánh giá, một số nhân viên của doanh nghiệp này đã thiếu trách nhiệm vì không kiểm tra người đến giao dịch có đúng là chủ tài khoản hoặc có được chủ tài khoản ủy quyền hay không… Từ đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đi đến quyết định hủy bản án sơ thẩm ngày 17/9/2014 của TAND TP Hà Nội./.