Bị can từng được tuyên vô tội
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ra bản cáo trạng lần hai truy tố bị can Trần Minh Anh (SN 1961, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, ngày 22/1/2007, Trần Minh Anh cùng mẹ vợ là bà Bùi Thị Minh (SN 1934, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến Phòng giao dịch của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (viết tắt là Công ty BVSC) có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để yêu cầu mở tài khoản giao dịch chứng khoán.
Bị can Trần Minh Anh tại phiên tòa phúc thẩm |
Tại đây, bà Minh đưa sổ hộ chiếu và nhờ ‘con rể’ làm thủ tục liên quan đến mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Tài khoản của bà Minh được Công ty BVSC mở và Trần Minh Anh là người ký tên trên giấy yêu cầu mở tài khoản, hợp đồng và ghi tên bà Minh phía bên dưới.
Một ngày sau, Trần Minh Anh và mẹ vợ đến Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để ký nhận số tiền 175.870 Euro do chị Trần Thị Ngân (con gái bà Minh) đang sinh sống ở Đức gửi về. Sau khi quy đổi, bà Minh nhận số tiền hơn 3 tỷ đồng và 34.000 USD.
Số tiền này được mẹ vợ và con rể cùng đưa đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nộp vào tài khoản giao dịch chứng khoán của bà Minh. Mọi thủ tục do bà Minh ký và đứng tên. Sau đó, bà Minh theo con trai và TP.HCM sinh sống.
Cáo buộc của cơ quan tố tụng còn cho biết, mặc dù không được ủy quyền nhưng từ ngày 25/1/2007 đến ngày 2/7/2007, Trần Minh Anh đã 3 lần đến phòng kế toán lưu ký, Công ty BVSC gặp nhân viên kế toán để làm thủ tục rút tiền từ tài khoản của mẹ vợ.
Tổng cộng số tiền rút ra từ tài khoản này là hơn 2,11 tỷ đồng. Các chứng từ rút tiền đều do Minh Anh viết nội dung ký tên mình và viết tên bà Bùi Thị Minh ở cả mục Chủ tài khoản và mục Người lĩnh tiền.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng còn cho rằng, bị can Trần Minh Anh còn tự viết giấy ủy quyền để thực hiện 16 lần rút tiền khác. Tổng cộng 19 lần rút tiền, của Trần Minh Anh là hơn 3,48 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo cơ quan tố tụng, Minh Anh còn dùng tài khoản này để thực hiện 83 giao dịch như nộp tiền, rút tiền, giao dịch chứng khoán…
Đến ngày 6/3/2008, khi bà Bùi Thị Minh đến Công ty BVSC để rút tiền thì tài khoản chỉ còn 9,1 triệu đồng.
Trong các lời khai của bị can Trần Minh Anh thì ông ta cho rằng đấy là số tiền của mình chứ không phải của mẹ vợ.
Đây là vụ án khá nhùng nhằng vì đã được đưa ra xét xử nhiều lần. Trước đó, Tòa án Hà Nội đã tuyên bố Trần Minh Anh vô tội. Tuy nhiên, ngay sau đó, VKS Hà Nội kháng nghị. Cấp phúc thẩm Tòa án Cấp cao tại Hà Nội cuối năm 2015 đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Mẹ vợ đòi tiền từ công ty chứng khoán
Trong vụ án này liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Công ty BVSC. Đó là việc nhân viên của công ty chứng khoán này đã tiếp nhận và xác nhận vào các chứng từ rút tiền nhưng không kiểm tra chứng minh nhân dân của bà Bùi Thị Minh – chủ tài khoản để bị can Trần Minh Anh rút hơn 3 tỷ đồng.
Khi bị can Trần Minh Anh đưa giấy ủy quyền đã được ký sẵn, nhân viên của Công ty BVSC biết nhưng không làm theo đúng thủ tục ủy quyền phải thực hiện ngay tại trụ sở giao dịch của công ty, bằng mẫu sẵn của công ty.
Nhân viên của Công ty BVSC cho rằng, vì bị can là khách quen nên đã lơ là trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra lãnh đạo của Công ty BVSC là Lê Văn Minh, Bùi Quang Kỷ - Phó trưởng phòng kế toán và Ngô Phương Chí – Phó Tổng giám đốc Công ty BVSC trong quá trình tác nghiệp đã có sơ suất không kiểm tra kỹ các chứng từ nộp, rút tiền trước khi ký duyệt, gián tiếp để bị can lợi dụng chiếm đoạt tiền.
Tuy nhiên do xét thấy nhân viên và lãnh đạo Công ty BVSC không hưởng lợi, đã khắc phục một phần hậu quả nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về số tiền bị mất hơn 3 tỷ đồng, bà Bùi Thị Minh yêu cầu Công ty BVSC phải hoàn trả toàn bộ số tiền này./.
Lào Cai: Bắt đối tượng lừa đảo tiền chạy việc sau gần 4 năm lẩn trốn