Một “mắt xích” trong việc sử dụng hệ thống viễn thông giả dạng các đầu số điện thoại của cơ quan công an để gọi điện lừa đảo vừa phải hầu tòa Hà Nội ngày 15/9, để nhận bản án đích đáng về tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Nhóm đối tượng này vì hám lợi riêng đã để bọn tội phạm quốc tế lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của công dân Việt Nam.
Sửa chữa CMND để làm tài khoản ngân hàng
Cầm đầu nhóm đối tượng bị quy kết tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức là Vũ Văn Đại (24 tuổi, quê Bắc Giang).
Nhóm đối tượng tại tòa sáng nay. |
Tháng 4/2014, thông qua nhóm “Việc làm tiếng Trung” trên mạng xã hội facebook, Đại nhận làm phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) là Liu Chang Ming và Tsou Jui Cheng.
Từ chỗ tìm việc làm kiếm thêm từ việc bổ túc tiếng Việt cho 2 đối tượng trên, Đại được chúng đề nghị thuê làm thẻ thanh toán quốc tế tại 2 ngân hàng Techcombank và BIDV. Mức giá chúng đưa ra là 3,4 triệu đồng/thẻ đã khiến Đại nổi lòng tham.
Nhận lời làm thẻ thanh toán thuê, Đại được chúng hướng dẫn dùng CMND của nhiều người khác nhau để mở tài khoản ngân hàng. Khi mở thẻ đồng thời đăng ký dịch vụ internet banking và dùng số điện thoại của mạng Mobifone để mở thẻ.
Đường dây làm thẻ của Đại bắt đầu phát triển về thành viên. Đầu tháng 5/2014, Đại gặp Nguyễn Trọng Đức (26 tuổi, quê Yên Bái) và đặt vấn đề thuê Đức mở thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế với giá 2 triệu đồng/thẻ. Lần tiếp đó, thêm Nguyễn Xuân Độ (25 tuổi, quê Tuyên Quang), Trần Nguyên Bình (26 tuổi, quê huyện Hoài Đức, Hà Nội) và người anh ruột là Trần Xuân Hòa (29 tuổi) cũng tham gia.
Để làm được nhiều thẻ ngân hàng, Đức được phân công mua lại CMND tại cửa hàng cầm đồ với giá 1 triệu đồng/30 cái. Anh ta mua tổng cộng 134 CMND với mức giá 5 triệu đồng. Môt loạt sim điện thoại di động của hãng Mobifone cũng được chúng trưng dụng, phục vụ việc mở tài khoản.
Sau khi có CNMD, chúng bắt đầu chụp ảnh, rồi dùng kỹ thuật thay thế ảnh vào các CMND đã mua sẵn. Sau khi hoàn tất, nhóm đối tượng bắt đầu đến ngân hàng BIDV và Techcombank mở tài khoản, làm thẻ visa, Mastercard. Tên đăng nhập, sim điện thoại đăng ký, mật khẩu dịch vụ internet banking được chúng chuyển cho Đại.
Đại đăng ký chuyển vùng quốc tế cho các sim mobifone rồi cho thẻ ngân hàng và sim tương ứng vào phong bì dán kín, đem chuyển sang Đài Loan cho Ming và Cheng. Sau khi hoàn tất, Đại hủy toàn bộ số CMND đã đăng ký tài khoản ngân hàng.
Từ ngày 22/7/2014 đến ngày 3/11/2014, Đại đã 17 lần chuyển thẻ thanh toán quốc tế với tổng số 146 thẻ cho 2 đối tượng người Đài Loan. Đại được các đối tượng này trả 487 triệu đồng. Anh ta trả cho Đức 110 triệu đồng để Đức chia cho các đối tượng còn lại.
Tiếp tay cho tội phạm quốc tế
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ lừa đảo qua điện thoại.
Chúng nói giọng miền Nam gọi điện thoại đến số điện thoại cố định của gia đình, nói về việc nợ cước điện thoại số tiền hơn 8,9 triệu đồng, sau đó dẫn dắt cho người bị hại nói chuyện với cán bộ Công an TP.HCM để trình bày.
Bắt 5 nghi can lừa tiền qua điện thoại
Đối tượng đóng giả công an nói người bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, yêu cầu bị hại cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, đe doại các bị hại giữ bí mật để phục vụ điều tra và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản do bọn chúng để chứng minh sự trong sạch.
Nếu không liên quan thì sẽ được trả lại tiền. Tin lời bọn chúng, nhiều người đã rút tiền tiết kiệm chuyển vào các tài khoản do nhóm đối tượng yêu cầu, sau đó các đối tượng này rút ra chiếm đoạt.
Làm rõ hành vi lừa đảo này, cơ quan công an đã đề nghị Techcombank và BIDV cung cấp hồ sơ về những tài khoản này nhóm đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào thì phát hiện ra rằng, trong số các tài khoản bọn tội phạm đã sử dụng để chiếm đoạt tiền của các công dân Việt Nam thông qua việc dùng hệ thống viễn thông giả dạng các đầu số điện thoại của cơ quan công an để gọi điện lừa đảo có những tài khoản do nhóm của Đại Vũ Văn Đại cùng đồng phạm mở tại ngân hàng BIBV và Techcombank.
Cụ thể như vụ, bà Lê Thị Ph. (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng giả danh công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2,35 tỷ đồng. Các đối tượng yêu cầu bà Ph chuyển số tiền trên vào 8 tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp rồi rút ra chiếm đoạt.
Trong các tài khoản bà Ph. gửi thì có 7 tài khoản mở tại ngân hàng Techcombank và 1 của BIDV.
Trường hợp của bà Trần Thị T.A (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo chiểm đoạt số tiền 1,2 tỷ đồng. Số tiền của bà T.A đều chuyển vào 4 tài khoản của ngân hàng Techcombank.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, giả danh công an
Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Kh. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng giả danh công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt 200 triệu đồng. Ông Kh. nộp vào tài khoản của chúng tại ngân hàng BIDV.
Trong 9 vụ lừa đảo với thủ đoạn giả danh công an gọi điện thoại đến dọa nạt nộp tiền, cơ quan điều tra làm rõ 9 vụ liên quan đến tài khoản làm giả của nhóm Đại làm ra.
Theo lời khai của nhóm Đại, cuối tháng 10/2014, chúng nghe thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về nhóm người Đài Loan có hành vi gọi điện giả danh công an lừa đảo người Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt, có cách thức mở thẻ giống như cách Đại đã được các đối tượng Đài Loan hướng dẫn nên Đại, Đức đã dừng lại không mở bán cho các đối tượng người Đài Loan nữa.
Tại tòa, các bị cáo đều nhận thức việc sửa chữa các giấy CMND rồi đi mở thẻ thanh toán quốc tế sau đó bán lại cho người nước ngoài để họ sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (như trốn thuế, rửa tiền…) là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận thu được chúng vẫn cấu kết với nhau để thực hiện hành vi phạm tội.
Với việc bị truy tố tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức, kẻ cầm đầu Vũ Văn Đại nhận mức án 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trọng Đức nhận án 4 năm tù giam; Nguyễn Xuân Độ nhận án 3 năm 6 tháng tù; Trần Nguyên Bình và Trần Xuân Hòa lần lượt nhận mức án 3 năm tù giam và 2 năm 6 tháng tù giam./.