Ngày 26/8/2016, tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận, đã diễn ra phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thọ, nghi phạm giết bà Lê Thị Bông xảy ra cách đây 18 năm tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là vụ án mà ông Huỳnh Văn Nén từng bị oan sai do tắc trách của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận.
Bị cáo Nguyễn Thọ tại phiên tòa (Ảnh: FB luật sư Hồ Sơn Hà) |
Cuối ngày, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên án bị cáo Nguyên Thọ lãnh án 20 năm tù giam về tội Giết người và 3 năm tù về tội Cướp tài sản của công dân theo Bộ luật Hình sự năm 1985. Tổng mức hình phạt là 20 năm tù.
Chia sẻ với báo chí về mức án dành cho hung thủ trong vụ án đã khiến mình phải chịu án oan, ông Huỳnh Văn Nén cho rằng mức án này hơi nhẹ. Còn người thân của bà Lê Thị Bông cho rằng ít nhất hung thủ phải bị tuyên án chung thân và nhấn mạnh gia đình sẽ kháng án, yêu cầu triệu tập cả gia đình của Hồ Thanh Việt (đã qua đời, là nghi can cùng Thọ gây án – P.V) để cùng phải có trách nhiệm với gia đình bị hại.
Nói về kết quả của phiên tòa, luật sư Hồ Sơn Hà – người bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình bị hại bà Lê Thị Bông, cho biết, ngay khi thư ký tòa báo cáo danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa vắng mặt 2 người làm chứng do chưa nhận được giấy triệu tập của tòa; cùng với việc người đại diện của bị hại nhận được giấy triệu tập của tòa vào lúc 16h chiều 25/8 – sát với thời gian diễn ra phiên tòa, luật sư Hà đã đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa với lý do vắng mặt người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và việc nhận giấy triệu tập chậm trễ của người đại diện hợp pháp cho bị hại bà Lê Thị Bông. Tuy nhiên, đề nghị này của luật sư không được chấp nhận.
Luật sư Hà chia sẻ: Vụ án mạng bà Lê Thị Bông đã xảy ra quá lâu, lời khai của bị cáo, lời khai của các nhân chứng, lời khai của đại diện người bị hại còn nhiều vấn đề chưa ổn, có những mâu thuẫn so với những nguồn chứng cứ khác. Trong khi đó, việc những người này không được triệu tập sớm theo luật định, nên việc chuẩn bị tâm lý trả lời thẩm vấn các câu hỏi của HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát, Luật sư không có chất lượng, khiến quá trình tranh tụng cũng không tốt, nhiệm vụ tìm ra sự thật không đạt được, như vậy việc ra bản án đương nhiên sẽ không có chất lượng.
Cũng theo luật sư Hà, căn cứ khoản 3, điều 222 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và theo Công văn số: 209/TA-VP ngày 10/12/2012, của Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận, khi vụ án có Luật sư bào chữa, bảo vệ, thì phải thể hiện sự phân tích, đánh giá đầy đủ ý kiến, quan điểm bào chữa, bảo vệ của Luật sư khi Luật sư phát biểu tại phiên tòa vào trong bản án. Tuy nhiên, bản án hình sự sơ thẩm của HĐXX - Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận trong vụ án Nguyễn Thọ, giết hại bà Lê Thị Bông không thể hiện ý kiến, quan điểm bào chữa, bảo vệ của các Luật sư, không thể hiện tranh luận, của các Luật sư với đại diện Viện Kiểm sát và giữa các Luật sư với nhau.
Bên cạnh đó, luật sư Hà cũng cho rằng, việc cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho rằng chưa đủ cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm của Hồ Thanh Việt (SN 1982, đã chết) dẫn đến chưa đặt ra quyền và nghĩa vụ đối với những người đại diện hợp pháp của Hồ Thanh Việt là không công bằng.
Đêm 23/4/1998 rạng sáng 24/4/1998, tại thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, đã xảy ra án mạng: “Giết người" và "Cướp tài sản của công dân", người bị hại là bà Lê Thị Bông.
Theo cáo trạng công bố trước tòa, khoảng 22h30 tối 23/4/1998, sau khi nhậu cùng 2 người khác tại khu đất trống trong thôn, Nguyễn Thọ và bạn là Hồ Thanh Việt rủ nhau đến nhà bà Lê Thị Bông phục sẵn với ý định cướp vòng vàng mà chị Phạm Thị Hồng, con gái bà Lê Thị Bông thường đeo trên cổ.
Để đề phòng trường hợp bị chị Hồng chống cự, cả hai đã ra giếng nước phía sau nhà bà Bông cắt lấy 1 đoạn dây dù dài khoảng 90cm, bản rộng khoảng 1,2cm, Việt đưa Thọ cầm.
Trong khi chờ chị Hồng về, Việt và Thọ thấy cửa nhà bà Bông không khóa nên đã cùng vào nhà chính lấy chiếc đầu máy video nhưng không lấy được vì đầu máy để trong tủ khóa kín.
Cả hai qua nhà phụ bên hông để tìm đồ vật cạy tủ thì không ngờ bà Bông đã về nhà từ trước và đang nằm trên giường.
Bà Bông phát hiện la lên thì Thọ nhào đến bịt miệng, đè ngã bà Bông, rồi dùng sợi dây dù đè ngang qua cổ làm bà Bông ngã xuống nền nhà. Lúc này có Việt đến hỗ trợ đè bà Bông lại.
Thọ tiếp tục dùng dây dù xiết chặt cổ nạn nhân ngạt thở, bất tỉnh và tử vong sau đó. Thọ và Việt đã lấy 1 chiếc nhẫn vàng 24K trọng lượng 1 chỉ của bà Bông rồi rời khỏi hiện trường.
Hôm sau 24/4/1998, sợ bị lộ, Thọ đã đem bán chiếc nhẫn tại một tiệm vàng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, rồi bỏ trốn.
Trong quá trình bỏ trốn qua nhiều địa phương khác nhau, Thọ đã thay tên đổi họ, lập gia đình và đã có con.
Chỗ ở gần đây nhất của Nguyễn Thọ (với tên gọi khác Phạm Văn Khanh) là xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Đến ngày 10/10/2015, trong khi điều khiển xe mô tô lưu thông trên địa bàn huyện Hồng Ngự thì bị lực lượng tuần tra Công an huyện Hồng Ngự kiểm tra hành chính.
Thọ không xuất trình được giấy tờ xe và giấy tùy thân. Khi bị đưa về trụ sở làm việc, Thọ đã khai nhận tên thật của mình cùng với hành vi phạm tội liên quan đến vụ oán oan Huỳnh Văn Nén.
Công an huyện Hồng Ngự đã lập biên bản đầu thú và báo cho Công an tỉnh Bình Thuận di lý về địa phương điều tra. Riêng đồng phạm Hồ Thanh Việt đã chết vào năm 2011.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thọ đồng ý với bản cáo trạng, thừa nhận các hành vi phạm tội của mình.
Sau 18 năm 04 tháng, hung thủ thực sự trong vụ án mạng bà Lê Thị Bông đã phải đền tội. Bản án đã được tuyên, nhưng có thể vụ việc vẫn chưa khép lại./.