Mattfeuter – là tên của một diễn đàn trên mạng thu hút các đối tượng trên toàn thế giới trao đổi, mua bán thẻ tín dụng hacker.
Thông tin từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh (SOCA) hoạt động của nhóm đối tượng này có hành vi phạm tội có tổ chức, mua bán trái phép thẻ tín dụng.
Từ năm 2005-2013, đường dây tội phạm xuyên quốc gia Mattfeuter đã chiếm đoạt số tiền khoảng 200 triệu USD từ hoạt động mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của người nước ngoài.
Chiến sĩ C50 ứng dụng công nghệ phá án. |
SOCA gửi đề nghị Bộ Công an Việt Nam phối hợp điều tra vì thông tin ban đầu, kẻ cầm đầu nhóm đối tượng này là Trương Hải Duy – người Việt Nam.
Phòng 2 – Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) được phân công nhiệm vụ cùng SOCA và FBI triệt phá nhóm tội phạm xuyên quốc gia này.
Phòng 2 – C50 được cung cấp thông tin về địa chỉ email, địa chỉ IP của các đối tượng trong nhóm Mattfeuter.
Tiến hành phân tích thông tin cho thấy, người điều hành nhóm Mattfeuter là Trương Hải Duy (trú tại phường 13, Quận Gò Vấp, TP.HCM).
Duy sử dụng hòm thư augustino267@yahoo.com. Trong hòm thư này, có hàng nghìn email trao đổi mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp.
Thông qua dịch vụ chuyển tiền Western, các đối tượng liên quan trong vụ án là Đặng Tấn Tài, Phạm Minh Đệ, Phạm Ngọc Thịnh, Lê Văn Minh Hiển, Huỳnh Nhật Sang, Lê Quang Tú, Tô Thanh Huệ đã nhận tổng số tiền hơn 1,5 triệu USD.
Tất cả các đối tượng nhận tiền tại Công ty TNHH Trần Chánh có địa chỉ số 477 Trần Phú, Quận 5, TP HCM.
Xét thấy cần phải huy động lực lượng cũng như sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ mới có thể nhanh chóng điều tra phá án, C50 quyết định thành lập ban chuyên án 266T do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hòa – Cục trưởng C50 làm trưởng ban.
Ban chuyên án nhận định đây là một tổ chức tội phạm lớn, hoạt động hết sức chặt chẽ, quy mô và địa bàn hoạt động rộng xuyên quốc gia nhưng chủ yếu là ở Mỹ và Anh.
Sau nhiều nỗ lực điều tra, “ẩn số” Mattfeuter được C50 giải mã. Đối tượng Việt Nam tên Trương Hải Duy mà SOCA cung cấp được trinh sát C50 lần tìm đến địa chỉ, nhưng đấy chỉ là dãy nhà trọ, không ai biết Trương Hải Duy là ai. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát C50 xác định, kẻ điều hành Mattfeuter là Văn Tiến Tú (SN 1987, trú tại quận 7, TP.HCM).
Khi xác định thời cơ chín muồi, ngày 31/5/2013, C50 phối hợp với C44 bắt đầu phá án. Chân tướng Văn Tiến Tú bại lộ.
Tài sản “khủng” của kẻ điều hành Mattfeuter
Công an xác định, các đối tượng trong đường dây có tuổi đời đều rất trẻ từ 19 đến 30 tuổi nhưng sở hữu một khối lượng tài sản lớn gồm các bất động sản, biệt thự có vị trí đắc địa tại TP.HCM cùng các siêu xe đắt tiền.
Từ những số tiền thu lợi bất chính, đối tượng Văn Tiến Tú đã mua 4 căn nhà biệt thự và 1 lô đất đều có mặt tiền ở các vị trí đẹp, ở TP.HCM.
Tú còn có một sở thích là sưu tập các “siêu xe khủng” có trị giá mỗi chiếc lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong gara của Tú luôn thường trực 4 chiếc xe hơi có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Porche, Mercedec, Chrysler và Honda Accord.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định tổng số tiền mà Văn Tiến Tú đã thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của người nước ngoài tính từ năm 2009 đến khi bị bắt là hơn 105 tỷ đồng.
Tú vốn là sinh viên một trường đại học tại TP.HCM. Anh ta có kiến thức về công nghệ thông tin. Tú là người điều hành trang web Mattfeuter – nơi có hàng chục nghìn thành viên trao đổi mua bán thẻ tín dụng hacker.
Cảnh sát cũng xác định Trương Hải Duy – cái tên được SOCA cung cấp chỉ là người làm thuê. Trương Hải Duy được Tú dựng lên làm bình phong. Tú sử dụng tài khoản và hộp thư của Duy để trao đổi, mua bán và giao, nhận tiền.
C50 cho biết, trong thời gian trước và sau khi phá án, Cảnh sát Anh và Mỹ đã nhiều lần cử các cán bộ điều tra, kỹ thuật giỏi nhất của mình sang Việt Nam cùng với C50 phối hợp phá án.
Sau khi lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiến hành bắt giữ các đối tượng trong vụ án do Văn Tiến Tú cầm đầu, SOCA đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng tại Anh liên quan đến vụ án. Đây là một trong những chiến công xuất sắc của tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng 2 – C50.
Trung tá Lê Xuân Minh - Phó Cục trưởng C50 - người trực tiếp gắn bó với những chuyên án của Phòng 2 cho biết: Đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao gây án là cuộc chiến vô cùng khó khăn, nóng bỏng.
Đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao thường có sự móc nối giữa tội phạm trong nước và quốc tế, tạo thành các đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Trên thế giới cứ 14 giây lại có một vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao.
Những thủ đoạn mới phạm tội xuất hiện thì chỉ vài phút sau sẽ lan truyền khắp thế giới. Đây là loại tội phạm gắn liền với trình độ công nghệ cao nên phương thức, thủ đoạn phạm tội hết sức linh hoạt và tinh vi, thách thức khả năng phát hiện, điều tra xử lý của lực lượng cảnh sát./.