Sáng nay (27/12), TAND TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm các bị cáo Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM), Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) cầm đầu cùng 14 đồng phạm về tội khủng bố chống chính quyền nhân dân, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, huỷ hoại tài sản và không tố giác tội phạm tiếp tục với phần tranh luận.

khung_bo_vwsj.jpg
Bị cáo tại phiên tòa.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên toà cho biết, các bị cáo trong phiên toà này bị các tổ chức phản động lưu vong lôi kéo nhằm chống phá cách mạng nước ta.

Đối tượng chúng nhắm tới là những người trẻ, nhận thức hạn chế, chỉ thấy mặt trái của xã hội mà không thấy được những mặt tích cực của xã hội, dễ dàng bị kích động, lôi kéo của các thế lực phản động.

Trong vụ án này, 14 bị cáo đều không có tiền án, tiền sự. Đối tượng lớn tuổi nhất sinh năm 1971, nhỏ tuổi nhất sinh năm 1976. Hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 84 Bộ Luật Hình sự 1999, vi phạm an ninh quốc gia, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Đại diện Viện VKSND TPHCM đã đề nghị mức án cho 16 bị cáo. Cụ thể: bị cáo Đặng Hoàng Thiện mức án từ 16 - 18 năm tù, Nguyễn Đức Sinh từ 14 - 16 năm tù, Ngô Thụy Tường Vy từ 12 - 14 năm tù, Thái Hàn Phong từ 13 - 15 năm tù, Nguyễn Ngọc Tiền từ 12 - 14 năm tù về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Các bị cáo khác bị đề nghị từ 5 - 9 năm tù cùng về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Ngoài ra, các bị cáo còn bị đề nghị áp dụng biện pháp quản chế tại địa phương từ 2 - 5 năm sau khi chấp hành xong bản án, liên đới bồi thường cho Công an thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai số tiền gần 1,3 tỉ đồng do đốt kho xe vi phạm, gây huỷ hoại 320 chiếc xe các loại.

Riêng bị cáo Lê Thị Thu Phương, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 1 – 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội không tố giác tội phạm.

Trước đó, tại phần xét hỏi, nhiều bị cáo đã phản cung và cho rằng mình không phạm tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Đại diện Viện VKSND TPHCM nhận định: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên toà cũng như tại cơ quan điều tra, đều phù hợp với nhau và phù hợp với tình tiết vụ án, các bị cáo hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình, các bị cáo không bị ép cung, nhục hình. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, sự vững mạnh của chế độ chính trị, là mối quan hệ đặc biệt quan trọng mà pháp luật bảo vệ.

Đối với Đào Minh Quân và Phạm Lisa, do đang ở nước ngoài nên sẽ tách vụ án. Cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Phiên toà vẫn tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.

Diễn biến vụ án

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2016, các đối tượng Đào Minh Quân, Phạm Lisa và một số đối tượng phản động trong và ngoài nước, thông qua mạng xã hội đã lôi kéo nhiều đối tượng trong nước thành lập các “nhóm hành động” để tiến hành khủng bố, phá hoại tại Việt Nam. 

Ngày 22/4/2017, từ Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM, Đặng Hoàng Thiện và Ngô Thị Tường Vy cùng Trương Tấn Phát sử dụng 2 thùng carton là 2 bom xăng tự chế đi vào đặt bom trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, Đặng Hoàng Thiện là người chủ mưu, lên kế hoạch, phân công các đối tượng. 

Tuy nhiên, kế hoạch không thành công, do 2 quả bom bị trục trặc kỹ thuật. Vụ việc được Cơ quan an ninh phát hiện ngay sau đó và nhanh chóng xử lý, hành khách và hoạt động của sân bay không bị ảnh hưởng.

Trong ngày xét xử đầu tiên, Toà án nhân dân TPHCM đã công bố cáo trạng và xét hỏi, các bị cáo Đặng Hoàng Thiện, Nguyễn Đức Sinh thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.

Bị cáo Thiện khai rằng được Phạm Lisa điều động ra Bến xe miền Đông, TPHCM nhận 2 cây súng và nhận tiền từ bị cáo Chung để thực hiện chế tạo bom xăng. Bị cáo Sinh cũng thừa nhận đã phân công vai trò cho đồng bọn, đồng thời chính mình thực hiện hành vi đốt kho tạm giữ xe vi phạm của Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phá hủy 320 chiếc xe, gây tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đối tượng này còn có nhiều hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, chế tạo các loại bom xăng, bom khói nhằm thực hiện các hành vi khủng bố nơi công cộng, khu vực quan trọng khác.

Ngoài 15 bị cáo bị truy tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", bị cáo Lê Thị Thu Phương là người yêu của Thiện bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm” do biết hành vi phạm tội của Thiện và đồng phạm thực hai vụ khủng bố trên nhưng không tố giác./.