Dư âm của cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 3 Phó Thủ tướng và 9 Bộ trưởng với hơn 300 doanh nghiệp, mà chủ yếu là các doanh nghiệp dân doanh trong ngày 28/4 vẫn đang nóng hổi và làm nức lòng giới doanh nhân. Nóng hổi bởi nhiều lẽ, đặc biệt là khi Thủ tướng đã hết sức cảm thông những khó khăn bộn bề của khối doanh nghiệp dân doanh, đồng thời đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chưa bao giờ cuộc gặp của Thủ tướng với giới doanh nhân, chủ yếu là dân doanh lại có đến 3 Phó Thủ tướng, 9 Bộ trưởng cùng rất nhiều đại diện các Bộ, ngành tham dự như ngày 28/4. Điều đó cho thấy, Thủ tướng đặc biệt quan tâm và muốn các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng trực tiếp lắng nghe những vướng mắc phát sinh từ hoạt động của doanh nhân, từ đó có biện pháp giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tư nhân” (ảnh: Thành Chung) |
Cuộc gặp với hơn 300 doanh nghiệp dân doanh, đại diện cho 400.000 doanh nghiệp dân doanh với Thủ tướng đã phát đi thông điệp là: khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước là một trong những quan tâm hàng đầu của Thủ tướng và đang là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Nhưng cũng là khu vực đã và gặp nhiều cam go, khó khăn hơn cả trong bối cảnh nền kinh tế dù đã phát khởi những dấu hiệu vĩ mô tích cực, song vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Trước đó, Phòng Thường mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đã tập hợp bộ tài liệu dày tới 300 trang về rất nhiều vấn đề kiến nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp. Qua những kiến nghị này cũng cho thấy, một thực tế là đã có không ít doanh nghiệp dân doanh mất niềm tin hoặc niềm tin bị giảm sút do môi trường kinh doanh không lành mạnh. Đó là sự thiếu công khai, minh bạch trong điều hành chính sách, đó là khi các doanh nghiệp lớn đang độc quyền kinh doanh, khi người dân bị “che mắt” bởi nghịch lý giá sữa, giá thuốc hay hành động chuyển giá,… do doanh nghiệp đã cấu kết với một số cán bộ công chức thoái hóa. Niềm tin của doanh nghiệp cũng hao mòn do hệ thống pháp luật và năng lực quản lý của đội ngũ công chức còn chưa tiến kịp đòi hỏi của cuộc sống.
Chính vì thế, cũng dễ hiểu khi trong cuộc gặp, cộng đồng doanh nghiệp đã hai lần vỗ tay “ngắt lời” Thủ tướng khi Thủ tướng cảm thông và đặt vấn đề “ trúng” tâm can của doanh nghiệp. Đó là với thái độ trân trọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi nhân dân, xin lỗi người nộp thuế vì quyết tâm cải cách ở trên thì hăng hái, nhưng càng xuống dưới càng giảm đi, tới nhân viên thì lại như không có gì xảy ra. Và khi Thủ tướng tiếp câu chuyện, phải xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, sẽ yêu cầu cán bộ làm đúng, giải quyết tình trạng nhiêu khê và đạo đức công vụ của cán bộ trong bộ máy hành chính.
Có lẽ lời xin lỗi đi kèm với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng khiến nhiều người phải suy nghĩ, đặc biệt là giới công chức. Đã đến lúc họ phải thay đổi tư duy, phải thay đổi nhận thức và cả lòng tự trọng khi họ đang sống bằng nguồn tiền do những người nộp thuế, do doanh nghiệp đóng góp để có hành vi ứng xử phù hợp, không thể mãi theo kiểu là người ban ơn cho doanh nghiệp.
Kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chỉ trong một hội nghị hay ngày một ngày hai tới là điều rất khó. Nhưng ý nghĩa lớn sau cuộc gặp là thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Thủ tướng, của Chính phủ với doanh nghiệp. Nó sẽ tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp dân doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Niềm tin đó gồm niềm tin của xã hội với doanh nghiệp, và cũng là niềm tin doanh nghiệp với công cuộc cải cách thể chế mà từ đầu năm đến nay Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những thông điệp cụ thể và thực hiện nó một cách quyết liệt./.