Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Wealth-X, tổng giá trị tài sản của 10 doanh nhân giàu nhất châu Á-Thái Bình Dương tính đến 31/3/2014 đạt 169,9 tỷ USD; tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nhân Trung Quốc tiếp tục thống trị bảng xếp hạng, với tổng tài sản lên tới 128,7 tỷ USD, bất chấp những lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang có dấu hiệu suy giảm. Năm ngoái, chỉ có 4 người Trung Quốc có tên trong bảng xếp hạng, con số này đã tăng lên 7 người trong năm nay.
Dưới đây là danh sách 10 doanh nhân giàu nhất châu Á-Thái Bình Dương
10. Li Hejun (46 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 10,6 tỷ USD
Quốc gia hoạt động kinh doanh: Trung Quốc
Li Hejun là chủ tịch kiêm CEO của một trong những nhà sản xuất năng lượng sạch lớn nhất thế giới Hanergy Holding Group. Tỷ phú Li nắm cổ phần 99% của Hanergy, tập đoàn sản xuất pin năng lượng mặt trời dạng film mỏng và thiết bị liên quan. Tài sản của ông Li gia tăng mạnh theo giá trị vốn hóa của tập đoàn này. Niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong, giá trị vốn hóa của Hanergy đã tăng lên mức 30,6 tỷ đôla Hong Kong, tương đương 3,94 tỷ USD vào tháng 4/2014 từ mức 4,6 tỷ đôla Hong Kong vào đầu năm 2013.
9. Charoen Sirivadhanabhakdi (69 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 11,3 tỷ USD
Quốc gia hoạt động kinh doanh: Thái Lan
Charoen Sirivadhanabhakdi là ông chủ của hãng bia lớn nhất Thái Lan ThaiBev. Đầu năm nay, vị trí của ông đã tụt xuống số 9, thay vì vị trí số 4 trong năm ngoái. Tính đến hết tháng 3/2014, tài sản của ông đã tăng lên mức 11,3 tỷ USD từ mức 10,7 tỷ USD trong năm ngoái.
Ông Charoen thành lập hãng bia của mình vào năm 1995, và chỉ trong vòng 5 năm sau đó đã chiếm thị phần 60% trên thị trường của Thái.
Hãng bia ThaiBev được thành lập vào năm 2003 và được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore năm 2006 với giá 0,28 đôla Singapore. Hiện tại, cổ phiếu của hãng được giao dịch với giá 0,6 đôla Singapore, giúp tăng giá trị vốn hóa của hãng lên mức 15,07 tỷ đôla Singapore.
8. Ma Huateng (42 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 13,2 tỷ USD
Quốc gia hoạt động kinh doanh: Trung Quốc
Ma Huateng là đồng sáng lập kiêm CEO tập đoàn Tencent Holdings. Ông Ma Huateng là một cái tên không hề xa lạ với các xếp hạng tỷ phú trên thế giới. Vào hồi tháng 1, ông còn trở thành người giàu có nhất Trung Quốc sau khi cổ phiếu của hãng tại Hong Kong tăng kỷ lục.
Tập đoàn Tencent có giá trị vốn hóa lên tới139 tỷ USD. Với việc phát triển phần mềm và tin nhắn trên mạng điện tử với gần một tỷ người dùng, Tencent là một trong những công ty Internet hùng mạnh nhất Trung Quốc bên cạnh Baidu, Alibaba và Sina. Thế mạnh của Tencent nằm ở mảng di động, với các ứng dụng tin nhắn QQ và WeChat nổi tiếng.
7. Dilip Shanghvi (58 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 13,5 tỷ USD
Quốc gia hoạt động kinh doanh: Ấn Độ
Ông Dilip Shanghvi là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Sun Pharmaceutical Industries, hãng dược phẩm lớn nhất Ấn Độ. Ông Shanghvi thành lập Sun Pharmaceutical vào năm 1995, và công ty này hiện có giá trị vốn hóa 21,1 tỷ USD.
Mới đây, hãng này đã thâu tóm hãng dược phẩm gốc Ranbaxy với giá 3,2 tỷ USD từ tay tập đoàn Daiichi Sankyo của Nhật Bản, tạo nên hãng dược phẩm gốc lớn thứ 5 thế giới.
6. Robert Kuok (90 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 15 tỷ USD
Hoạt động kinh doanh tại Hong Kong
Robert Kuok là người giàu nhất Malaysia và là người giàu thứ nhì ở Đông Nam Á sau tỷ phú Dhanin Chearavanon của Thái Lan - theo xếp hạng của Forbes 2013.
Mặt hàng kinh doanh của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giao dịch hàng nông sản tới tài chính và bất động sản. Đặc biệt, ông được coi là “Vua mía đường” vì giàu lên từ việc đầu tư vào các cánh đồng mía từ những năm 1960 và có thời điểm chiếm thị phần tới 5% thị trường đường của thế giới.
Ông cũng sở hữu hàng loạt bất động sản cao cấp khác bao gồm chuỗi khách sạn, resort cao cấp toàn cầu Shangri-La và tờ Nhật báo tiếng Anh của Hong Kong South China Morning Post.
5. Masayoshi Son (56 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 16,4 tỷ USD
Quốc gia hoạt động kinh doanh: Nhật Bản
Masayoshi Son là doanh nhân duy nhất trong top 10 thăng hạng trong bảng xếp hạng của Wealth-X.
Tỷ phú Masayoshi Son là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Softbank, tập đoàn viễn thông và Internet khổng lồ của Nhật. Tập đoàn của ông cũng là doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách kích thích tài chính Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Softbank cũng là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Nhật Bản. Năm ngoái, giá cổ phiếu của công ty này tăng 118%.
Trước đó, ông Son đã đưa tập đoàn của mình dấn thân vào phát triển di động cầm tay và mua hãng điện tử Vodafone của Nhật Bản với giá 15,5 tỷ USD. Mới đây, vào năm 2012, Softbank cũng đã mua nhà mạng Sprint của Mỹ với giá 21,1 tỷ USD.
4. Wang Jianlin (59 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 16,6 tỷ USD
Quốc gia hoạt động kinh doanh: Trung Quốc
Ông Wang Jianlin là Chủ tịch của Dalian Wanda Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất nước này. Năm 2012, ông nhảy vào lĩnh vực phim ảnh khi chi 2,6 tỷ USD để mua chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment của Mỹ.
Sau đó, ông đã khởi động dự án “thành phố ảnh động” trị giá 8,18 tỷ USD ở Đại Liên, coi đây là dự án đầu tư lớn nhất vào ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình. Mục tiêu của ông là chiếm thị phần 20% trong ngành công nghiệp phim hoàn cầu trong thời gian từ nay tới năm 2020.
3. Lui Che Woo (84 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 21,1 tỷ USD
Hoạt động kinh doanh tại Hong Kong
Tỷ phú Lui Che Woo là nhà sáng lập của K. Wah Group, tập đoàn đa quốc gia với nhiều lĩnh vực hoạt động từ bất động sản, giải trí tới khách sạn; bao gồm Công ty điều hành sòng bạc nổi tiếng Galaxy Entertainment Group.
Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Lui tăng mạnh khi giá cổ phiếu Galaxy hoạt động kinh doanh trong mảng casino và khách sạn tại Macau tăng gấp đôi trong năm ngoái.
Ông Lui bắt đầu mạo hiểm kinh doanh sòng bạc của vào năm 2002, sau khi chào giá giấy phép chơi bạc tại Macau với giá 1,1 tỷ USD, kết thúc hệ thống kinh doanh độc quyền casino ngay trong năm đó.
2. Lee Shau Kee (86 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 22,8 tỷ USD
Hoạt động kinh doanh tại Hong Kong
Tỷ phú Lee là người sáng lập tập đoàn bất động sản Handerson Land Development, nắm giữ nhiều khách sạn, nhà hàng và dịch vụ Internet ở Hồng Kông. Ông được coi là “Warren Buffett của Hồng Kông” nhờ đạt tỷ suất lợi nhuận cao từ danh mục đầu tư đa dạng.
Ông Lee là một người nắm vai trò chính trong các công ty chi phối kinh tế của Hồng Kông. Các công ty của ông cũng kiểm soát Công ty điều hành phà Hong Kong Ferry và Công ty xăng dầu Hong Kong & China Gas – hoạt động độc quyền trên toàn thành phố với thị phần chiếm tới 85%.
1. Li Ka-Shing (85 tuổi)
Giá trị tài sản ròng: 29,4 tỷ USD
Hoạt động kinh doanh tại Hong Kong
Tỷ phú tự thân Li Ka-Shing là Chủ tịch của hai tập đoàn đa quốc gia Cheung Kong Holdings và Hutchison Whampoa với các lĩnh vực hoạt động trải rộng từ vận hành cảng biển tới chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Ông Li được coi là một trong những doanh nhân quyền lực nhất châu Á và có biệt danh “siêu nhân” nhờ những thương vụ làm ăn siêu lợi nhuận. Ông cũng nổi tiếng với lối sống giản dị và không thích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông./.