Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ, ngành tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 28/4, đặc biệt là ý kiến của Hội tư vấn thuế, Thủ tướng đã chỉ đạo phải đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế và hải quan.

“Thủ tục nộp thuế mà khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân” – Thủ tướng nói.

Trước đó, tại Hội nghị này, theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Cúc, mặc dù Tổng cục Thuế đã có tuyên ngôn về người nộp thuế rất rõ ràng, nhưng càng xuống dưới quyết tâm đó càng giảm. Và trong việc tháo gỡ chính sách về thuế thì việc “tiếp tục tinh thần lãnh đạo ngành rất khó khăn”.

Hay như trong chuyện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, có những doanh nghiệp suốt ngày phải mất thời gian tiếp các đoàn thanh tra với cùng một nội dung. Trong khi đó, tư tưởng chung của cơ quan thanh tra, kiểm tra là cứ phải phát triển ra được sai sót và phải thu được tiền về.

Trước phản ánh này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, “Tôi nghe Hội tư vấn thuế nói, tôi rất sốt ruột. Bây giờ nộp thuế mà cũng khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân. Bây giờ tôi nghe nói, quyết tâm trên này hăng hái như thế, đi càng xuống càng giảm, tới nhân viên thành như không có chuyện gì xảy ra”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ trăn trở, “Bây giờ như thế, doanh nghiệp sẽ như thế nào, khi mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế?”.

Cũng theo phản ánh của bà Cúc, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật còn thiếu thống nhất khiến cơ quan thuế và DN hiểu không đúng, gây nhiều vướng mắc trong thực hiện. Một văn bản được đưa ra, không chỉ các DN hiểu sai mà ngay cơ quan thuế của địa phương này với cơ quan thuế của địa phương khác cũng còn hiểu khác nhau.

Việc ban hành chính sách thuế không kịp thời. Luật thu nhập DN chẳng hạn, có hiệu lực 4 tháng rồi nhưng chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành thuế, hải quan là rất hiệu quả, nhưng do hạ tầng còn kém nên nhiều ách tắc, đến ngày kê khai thuế nhưng DN không gửi được, vì vậy thành chậm, bị phạt. Điều này cũng xảy ra với thủ tục hải quan, gây ách tắc hàng hóa khi thông qua. Đề nghị từ chính sách, hạ tầng, con người phải đồng bộ.

Các vướng mắc về thuế, hải quan chỉ là một phần trong số hơn 300 thắc mắc của DN gửi đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Thủ tướng đã trải lòng: “Cũng có lần tôi nói rất chân thành, bây giờ phân công tôi làm Thủ tướng, tôi nghiêm túc chấp hành, sẵn sàng làm chứ phân công tôi làm doanh nghiệp là tôi từ chối. Làm không được đâu! Tôi nói như thế để biết là các anh, chị làm Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp là khó lắm”.

Ngược lại, về phía DN cũng có nhiều điểm được nêu ra tại Hội nghị này cần điều chỉnh, khắc phục. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua thanh tra, kiểm tra truy thu trên 12.000 tỷ tiền thuế, trong đó đã thu được trên 8.000 tỷ.

Còn Bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thì phản ánh: Tiền bảo hiểm đóng cho người lao động của các DN chỉ dựa trên lương tối thiếu mà không phải dựa trên thu nhập của họ. Đó là điều bất công với NLĐ, lương hưu của họ sẽ rất thấp. “Đề nghị các DN vì lợi ích của NLĐ, có trách nhiệm hơn” – Bộ trưởng Lao động nói.

Các DN đã gửi hơn 300 kiến nghị, theo Thủ tướng, đây không chỉ cho DN mà vì sự phát triển nền kinh tế chúng ta. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành trong thẩm quyền của mình, những kiến nghị nào có thể giải quyết được thì phải quyết ngay, với tinh thần tạo điều kiện hết sức cho hoạt động của DN. Thủ tướng cũng sẽ có chỉ thị để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN phát triển./.