Phát biểu kết luận Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tư nhân” diễn ra sáng nay (28/4), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hiện nay, số DN của Việt Nam vẫn còn ít so với thế giới. Chúng ta phấn đấu đạt 500.000 DN đến năm 2010, nhưng đến 2014 cũng chỉ có 500.000, nhưng hiện cũng chỉ còn 400.000 DN trong số này đang hoạt động. Số DN ít và quy mô còn nhỏ, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Sức cạnh tranh tuy đã được nâng lên nhưng vẫn thấp, trong khi đó sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ngay trên sân nhà.
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị (ảnh: Thành Chung) |
“Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều hạn chế, vướng mắc, cần cải thiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho DN, không cạnh tranh được với các nước” – Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm chính trị xã hội để có môi trường kinh doanh lành mạnh; Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, hạ lãi suất.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phải tăng trưởng kinh tế. GDP không tăng thì không bảo đảm việc làm, năm 2014 phấn đấu đạt 5,8% so với 5,4% của năm 2013; năm 2015 đạt 6% hoặc trên 6%. “Muốn thế cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phải tăng trưởng” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế. DN dược kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm. Thực hiện cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN, minh bạch trong kinh doanh. Hoàn thiện các chính sách về đất đai, điện, xăng dầu… phát triển theo cơ chế thị trường.
Việc cải cách hành chính đã được thực hiện nhưng thủ tục hành chính vẫn còn nhiều cản trở. Còn tình trạng xin nhiều thủ tục quá. Phát triển chính phủ điện tử. Cải cách thủ tục về thuế, hải quan. Phát triển hải quan điện tử để giảm thời gian, giảm chi phí, tận dụng các cơ hội kinh doanh. Việt Nam không thể thua các nước về thực hiện các thủ tục điện tử. Tương tự, cải cách thủ tục về đất đai, chấm dứt tình trạng quen thân, có bôi trơn thì thuận lợi hơn. Việc thanh tra, kiểm tra cũng cần cải tiến, bảo đảm không chồng chéo để không làm phiền DN. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, ngăn chặn biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiều DN, người dân.
Ảnh: Thành Chung |
Về vốn, Thủ tướng yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận với vốn tín dụng. DN phải nỗ lực và Ngân hàng cũng phải tạo thuận lợi cho DN, không để vòng vay luẩn quẩn DN không trả được nợ, nợ xấu tăng rồi Ngân hàng siết chặt cho vay. Dĩ nhiên, phải bảo đảm chất lượng tín dụng, không phải là “tay không bắt giặc”, DN phải có phương án vay khả thi. Các ngân hàng thương mại tìm cách cơ cấu lại số vay có lãi suất cao của DN, trở về mặt bằng lãi suất thấp hiện nay để giúp DN có điều kiện trả nợ.
Giải pháp tự thân của DN được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh. DN tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu đó bằng các chính sách, nhưng DN phải nỗ lực vươn lên. Nhất là trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, bảo hộ của Nhà nước rất ít, đòi hỏi các DN phải tự vươn lên. Phải ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, từ đó tăng sức cạnh tranh, hoàn thiện năng lực quản trị DN.
Thủ tướng cũng lưu ý DN phải chú ý xây dựng văn hóa của DN. DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động của mình, làm sao để người lao động không biểu tình, đình công, mà là “người nhà” của DN, chung sức với sự phát triển của DN.
“DN đừng trốn thuế. Bộ trưởng Tài chính báo cáo có tới 12.000 tỷ đồng trốn thuế thì DN phải nghĩ sao về điều này” – Thủ tướng nói.
Chính phủ cũng sẽ cố gắng để phát triển thị trường ngoài nước, đàm phán các hiệp định thương mại để tự do thông thương hàng hóa, mở rộng thị trường, tăng giá trị hàng hóa... Cùng với đó, các hiệp hội cũng phải cùng chính phủ mở rộng thị trường, “buôn có bạn, bán có phường”, cạnh tranh phải lành mạnh, vì lợi ích lâu dài, không vì lợi ích trước mắt, dìm hàng, phá giá nhau./.