Họ vẫn sống một cuộc đời với những thói quen, công việc thời quá khứ, trong khi thôn xóm đã khác xưa. Họ không hiểu vì sao bản thân trở nên kỳ cục khi chẳng làm gì nên tội, khi chẳng thể nào xoay chuyển, hòa mình hội nhập cái đời sống mới đầy kỳ thú mà cộng đồng, những người thân đang tận hưởng. Bỗng dưng họ trở thành kẻ quê kệch, mặc cảm, lủi thủi với những niềm riêng khó tỏ.

Người nông dân “lành như đất” trong truyện ngắn “Nắng ở cuối cùng sông” của Hoàng Anh Linh rơi vào trạng thái lạc lõng ấy. Nhưng ông còn có hi vọng để mà mong đợi. Đó là người em trai trí thức vẫn còn nhớ đến người anh lam lũ ở quê nghèo. Ký ức và hiện tại đan xen trong mớ bòng bong tâm trạng của người nông dân có lúc đã gắng gỏi để theo kịp xu thế, thời đại nhưng chỉ nhận lại sự ê chề, kiệt quệ.

Điểm sáng trong câu chuyện là dù còn đó những khúc mắc, khoảng cách về lối sống, lối suy nghĩ nhưng tình thân vẫn là điều còn lại. Chính tình thân đã gắn kết hai con người cùng dòng máu, dẫu dòng đời xô dạt – Như ánh nắng cuối chiều lấp lánh cả dòng sông.

Tập trung khắc họa niềm thương yêu khôn tả ấy, tác giả Hoàng Anh Linh dường như đã bỏ qua phần nào những mối quan hệ chằng chéo cần có trong cuộc đời cá nhân hai nhân vật chính. Thành ra truyện chỉ dừng lại ở lát cắt đặc tả - Người đọc, người nghe vẫn còn mong đợi những nhân vật, tình huống xúc tác sinh động cho một hình hài truyện ngắn hoàn chỉnh./.